Bộ Công Thương chính thức trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII

Thứ tư, 13/10/2021 | 05:24 GMT+7
Ngày 8/10, Bộ Công Thương đã có tờ trình số 6277/TTr-BCT. trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Theo Bộ Công Thương, Đề án quy hoạch điện VIII được xây dựng trên cơ sở định hướng tại Nghị quyết 55-ND/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị, trên cơ sở 3 quan điểm cốt lõi. Thứ nhất, phát triển điện lực đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân. Thứ hai, phát triển đồng bộ nguồn và lưới; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng miền; không xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2021-2030; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây tải điện liên miền giai đoạn 2031-2045. Thứ ba, tiếp tục xem xét, phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác…) với quy mô phù hợp. Xem xét lộ trình giảm các nguồn điện than, phát triển các nguồn điện khí LNG một các hợp lý. Tăng cường nhập khẩu điện trên cơ sở tuân thủ các văn bản ghi nhớ đã cam kết.

Theo Đề án Quy hoạch điện VIII, công suất cực đại năm 2025 đạt khoảng 59.389-61.357MW; năm 2030 khoảng 86.493 - 93.343MW; năm 2035 khoảng 113.952-128.791MW; năm 2040 khoảng 135.596-162.904MW và năm 2045 khoảng 153.271-189.917MW.

Điện thương phẩm: Năm 2025 đạt khoảng 335,0 - 346,6 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 491,2 - 530,4 tỷ kWh; năm 2035 khoảng 651,3 - 736,9 tỷ kWh; năm 2040 khoảng 779,7 - 938,3 tỷ kWh và năm 2045 khoảng 886,9 - 1.101,1 tỷ kWh.

Điện sản xuất và nhập khẩu: Năm 2025 đạt khoảng 378,3 - 391,4 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 551,3 - 595,4 tỷ kWh; năm 2035 khoảng 727,0 - 822,5 tỷ kWh; năm 2040 khoảng 864,9 - 1.040,8 tỷ kWh và năm 2045 khoảng 977 - 1.231,1 tỷ kWh.

Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt hoảng 1,31-1,34 lần trong giai đoạn 2021-2025; 1,24 - 1,25 lần trong giai đoạn 2026-2030; 0,97-1,03 lần giai đoạn 2031-2035; 0,64-0,82 lần trong giai đoạn 2036-2040 và giảm xuống 0,47-0,54 lần trong giai đoạn 2041-2045.

Về phát triển nguồn điện, năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 102.590-105.265MW. Trong đó, thủy điện đạt 25.323MW chiếm tỷ lệ 24,1-24,7%; nhiệt điện than 29.679MW, chiếm tỷ lệ 28,2-28,9%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 14.117MW, chiếm tỷ lệ 13,4-13,7%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) 29.618-31.418MW, chiếm tỷ lệ 28,9-29,8%; nhập khẩu điện 3.853-4.728 MW chiếm tỷ lệ 3,7-4,5%.

Năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 130.371-143.839MW. Trong đó: thủy điện và thủy điện tích năng đạt 26.684-27.898MW chiếm tỷ lệ 19,4-20,5%; nhiệt điện than 40.899MW chiếm tỷ lệ 28,4-31,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 27.471-32.271MW chiếm tỷ lệ 21,1-22,4%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) 31.380-37.030MW chiếm tỷ lệ 24,3-25,7%; nhập khẩu điện 3.936-5.74 MW chiếm tỷ lệ 3-4%.

Năm 2045, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 261.951-329.610MW, trong đó: thủy điện và thủy điện tích năng đạt 35.677-41.477MW chiếm tỷ lệ 12,6-13,6%; nhiệt điện than 50.949MW chiếm tỷ lệ 15,4-19,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 61.683-88.533 MW chiếm tỷ lệ 23,5-26,9%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) 104.900-137.610 MW chiếm tỷ lệ 40,1-41,7%; nhập khẩu điện 8.743-11.042 MW chiếm tỷ lệ 3,3%.

Quy hoạch điện VIII nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP bình quân là khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 5,7%/năm trong giai đoạn 2031-2045.

Trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã tổ chức hai cuộc hội thảo giữa kỳ, cuối kỳ và tiến hành tham vấn cộng đồng về nội dung Đề án; đăng tải thông tin lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, gửi lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 16 bộ và cơ quan, các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Bộ Công Thương đã nhận được gần 1.000 ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, các tập đoàn tổng công ty. 


Theo EVN