Ngày 12/9, tại Hòa Bình, đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng tư vấn KH&CN đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà cùng các nhà khoa học, chuyên gia đã có buổi kiểm tra, đánh giá thực tế tại công trình Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Hòa bình mở rộng sau cơn bão số 3 và hoàn lưu bão.
Thủy điện góp phần quan trọng trong cắt lũ cho hạ du
Báo cáo Bộ trưởng về tình hình thủy văn, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình – ông Phạm Văn Vương cho biết, trong năm nay, lượng nước về hồ thủy điện lớn hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Về tình hình lũ, cao điểm năm 2024, lưu lượng lũ về hồ trung bình ngày đạt tới 9.027m3/s, đỉnh lũ khoảng gần 10.000 m3/s. Công ty luôn sẵn sàng phương án phòng chống thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước của công trình Thủy điện Hòa Bình.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (áo trắng, hàng đầu, thứ hai từ phải qua) cùng các chuyên gia, nhà khoa học kiểm tra, đánh giá thực tế tại công trình Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Vũ Mai
|
Đối với việc ứng phó cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, từ ngày 4/9/2024, thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Công ty đã mở cửa xả đầu tiên để tạo dung tích cho hồ đón lũ. Sau đó, Công ty đã tiếp tục mở cửa xả theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tới 9h sáng 11/9/2024, theo lệnh, Công ty đã đóng cửa xả cuối cùng.
“Tổng lượng nước xả ra của hồ thủy điện luôn luôn thấp hơn dòng chảy tự nhiên trên sông Đà; như vậy, một phần lũ đã được giữ lại tại hồ. Hiện nay, hồ vẫn còn dung tích để đón lũ” – ông Phạm Văn Vương cho hay.
Chuyên gia lĩnh vực thủy điện Nguyễn Tài Sơn cho biết, một trong những chức năng nhiệm vụ của hồ thủy điện Hòa Bình là chống lũ cho hạ du, do đó, việc vận hành hồ đang được cơ quan chức năng điều hành để thực hiện nhiệm vụ đó.
“Vừa qua, có một số 1 số ý kiến nhầm lẫn cho rằng lũ là do thủy điện xả xuống! Không phải như vậy. Việc xả cũng là công tác điều hành để tạo dung tích phòng lũ cho những trận lũ lớn” - Chuyên gia Nguyễn Tài Sơn báo cáo trước Bộ trưởng.
Đối với an toàn công trình hồ, đập NMTĐ Hòa Bình, các thành viên Hội đồng tư vấn nhận định công trình được vận hành an toàn qua các đợt mưa lũ vừa qua. Công trình NMTĐ Hòa Bình được thiết kế với khả năng chống chịu với các trận lũ lên tới 34.000 m3/s, gấp hơn 3 lần so với đỉnh lũ vừa qua. Do vậy, có thể yên tâm về khả năng chống lũ của công trình.
Các chuyên gia cũng nhận định, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đang tuân thủ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng; và có dung tích dự phòng khoảng 1 tỷ m3 chống lũ cho hạ du.
Công trường dự án và công trình hồ chứa, đập được đảm bảo an toàn
Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương báo cáo Bộ trưởng về tình hình công trường dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng.
Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng được bố trí bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Dự án có quy mô công suất lắp 2 tổ máy x 240MW. Trong đợt mưa bão vừa qua, nhờ làm tốt công tác ứng phó, công trường không bị ảnh hưởng. Các mái dốc đã được gia cố, không bị ảnh hưởng sạt trượt; toàn bộ hệ thống cầu trục được neo giữ; người và thiết bị được đảm bảo an toàn. Các tiến độ đang được duy trì bám kế hoạch để hoàn thành phát điện trong năm 2025.
Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương (thứ 4 từ trái sang) báo cáo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (thứ 5 từ trái sang) về tình hình dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng
|
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình, điều tiết hồ chứa nước, luôn sẵn sàng các phương án nhằm ứng phó với những tác động của cơn bão số 3.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Cho tới thời điểm này, hồ chứa và đập rất an toàn. Đồng thời, Nhà máy đã góp phần vào việc cắt lũ cho hạ du”.
Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Hòa Bình và Ban Quản lý dự án điện 1 tiếp tục theo dõi, đánh giá và cần chủ động thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (Quyết định số 740/QĐ-TTg); kịp thời thông tin về Hội đồng tư vấn KH&CN đánh giá an toàn hồ, đập chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà (thông qua Cơ quan Thường trực của Hội đồng) trong những tình huống bất thường liên quan đến an toàn hồ, đập. Đồng thời, phải chuẩn bị các phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp để khi có các tình huống xảy ra; tổ chức kiểm tra các hạng mục công trình đầu mối nhằm đảm bảo công trình vận hành, ổn định.