CBCNV ngành Điện học tập, làm theo lời Bác: Đoàn kết, thi đua, tiết kiệm

Thứ ba, 18/5/2021 | 04:00 GMT+7
Ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại đây, Bác căn dặn: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”. Bác còn căn dặn CBCNV nhà máy điện phải đoàn kết, thi đua, tiết kiệm. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải đoàn kết, thi đua nhằm tăng năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu.

Thực hiện lời căn dặn của Bác năm xưa và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không ngừng nỗ lực phát triển vươn lên, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành của EVN, tinh thần đoàn kết đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng. Mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động Tập đoàn đều thấm nhuần tư tưởng, nhận thức về tinh thần đoàn kết nội bộ, giúp đỡ, tương thân tương ái trong công việc và trong cuộc sống. Tinh thần đó đã được chuyển hóa thành hành động cụ thể, thiết thực của mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với CBCNV ngành Điện năm 1954. Ảnh tư liệu

Trải qua nhiều thế hệ, tinh thần đoàn kết đó vẫn được gìn giữ, phát huy và đã trở thành truyền thống tốt đẹp, là sợi dây gắn kết các thành viên trong Tập đoàn, giúp EVN tạo dựng một tập thể vững mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.

Trong hơn 66 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Từ chỗ công suất hệ thống điện ở miền Bắc vào cuối năm 1954 chỉ có 31,5MW, đến nay hệ thống điện đã có quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 23 thế giới với công suất. Hệ thống lưới điện vươn rộng toàn bộ đất nước, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Đến nay, EVN đã có giá trị tổng tài sản khoảng 718.000 tỷ đồng.

Những công trình điện lớn, mang tầm quốc tế và khu vực đã được xây dựng như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc  - Nam từ mạch 1 nay đã được bổ sung thêm mạch 2 rồi mạch 3; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của cán bộ, kỹ sư Việt Nam.

Đặc biệt, trong một thập niên gần đây, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục với mức tăng trưởng điện thương phẩm ở mức bình quân 9,7%/năm. Đến năm 2020, EVN đã đưa cung cấp điện đến 100% số xã; 99,54% số hộ dân và đưa điện đến 11/12 huyện đảo, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước.

Đến nay, công nghệ tự động hóa, điều khiển xa, kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi vào hệ thống điện, hầu hết các trạm biến áp 110-220kV đã thực hiện điều khiển xa không cần người trực. Công tác dịch vụ khách hàng có nhiều đổi mới, ngày càng hiện đại và thuận tiện, các dịch vụ điện lực đã đạt cấp độ 4 về dịch vụ công trực tuyến và đã kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Chỉ số tiếp cận điện năng có bước tiến vượt bậc, xếp thứ 27/190 quốc gia, góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.

Các phong trào thi đua hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu được các đơn vị thường xuyên quan tâm đẩy mạnh và có tác dụng rất rõ rệt. Đã xuất hiện nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm có giá trị được áp dụng trong và ngoài EVN, góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lao động, quản trị doanh nghiệp. Hiện nay EVN đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực và dự kiến đến 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi doanh nghiệp số. Trong chương trình công tác toàn khóa và hàng năm, các cấp ủy đều có lồng ghép nội dung triển khai thực hiện Chỉ thị 05 bám sát kế hoạch, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Nhà máy điện mặt trời Đa Mi. Ảnh Lê Việt

EVN - Doanh nghiệp vì cộng đồng

Năm 2020, khi dịch bệnh COVID -19 bùng phát, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trên cả nước trong bối cảnh dịch bệnh, Đảng ủy Tập đoàn đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 36-NQ/ĐU ngày 30/3/2020 về một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Tập đoàn đã chủ động đề nghị và được Chính phủ chấp thuận thực hiện giảm giá điện, tiền điện 2 đợt. Đây được đánh giá là một gói hỗ trợ trực tiếp, kịp thời và hiệu quả, giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính. Năm 2020, cả hai đợt giảm giá điện, tiền điện của EVN có tổng giá trị trên 12.300 tỷ đồng với tổng thời gian giảm lên tới 6 tháng. 

Việc triển khai các chương trình an sinh xã hội đối với cộng đồng ngày càng được mở rộng về quy mô, đối tượng, phạm vi hỗ trợ nhưng vẫn đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của Quốc gia, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đã phát huy tối đa hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Giai đoạn 2015 - 2020, Tập đoàn đã thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền gần 930 tỷ đồng.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Ảnh Lê Việt

Hàng năm, EVN đều tổ chức định kỳ Tháng Tri ân khách hàng với những hoạt động thiết thực. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, EVN đều triển khai định kỳ chương trình hiến máu nhân đạo mang tên “Tuần lễ hồng EVN” để CBCNV toàn Tập đoàn tự nguyện tham gia hiến máu nhân đạo với khoảng 10.000 đơn vị máu thu nhận được sau mỗi chương trình.

Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, sẽ còn nhiều thách thức lớn đặt ra đối với EVN. Đất nước đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo nhu cầu điện năng liên tục gia tăng, đã tạo áp lực lớn đối với ngành Điện. Bên cạnh đó, EVN còn gặp nhiều khó khăn trong thu xếp vốn, giải phóng mặt bằng cho các công trình điện; nhiên liệu cho phát điện; cân đối giữa doanh thu và chi phí trước sự biến động thường xuyên các yếu tố đầu vào của SXKD điện...

Luôn ghi nhớ và thực hiện những lời căn dặn của Bác, tập thể lãnh đạo và CBCNV và người lao động ngành Điện sẽ luôn cố gắng, đoàn kết, quyết tâm, vươn lên, phát triển một cách bền vững, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó.

Những hình thức khen thưởng cao nhất EVN đã đạt được:

- Huân chương Sao Vàng (năm 2004)

- Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996)

- Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ 2, năm 2014)

- Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2020)


Theo EVN