Các hồ, đập thủy điện lớn khu vực Tây Bắc đảm bảo an toàn trước động đất

Thứ tư, 29/7/2020 | 11:00 GMT+7
Đó là khẳng định của ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, ngày 29/7.

Đây là cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về tình hình động đất tại Sơn La diễn ra trong thời gian vừa qua. 

Theo báo cáo tại cuộc họp, từ ngày 27/7 đến 7h ngày 29/7/2020 đã liên tiếp xảy ra 16 trận động đất với độ lớn từ 2,6 - 5,3. Tâm chấn của các trận xảy ra sát nhau trên địa bàn huyện Mộc Châu, Sơn La. Từ trận 2 đến trận 16 có cường độ nhỏ không gây tác động lớn. Riêng trận 1 với độ lớn M= 5,3 đã gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 công điện liên tiếp trong ngày 27-28/7 gửi UBND các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, các cơ quan liên quan về việc khẩn trương kiểm tra, khắc phục hậu quả động đất. 

Ngay sau khi xảy ra động đất, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo đã liên hệ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Hà Nội và các Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng – Bản Chát để thông báo và nắm bắt tình hình. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của động đất, các vùng ảnh hưởng và chỉ đạo địa phương.

 Ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp

Đối với các công trình thủy điện, công trình điện do EVN quản lý tại khu vực này, theo ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN, qua kiểm tra toàn bộ cho thấy các công trình chưa có sự cố hoặc biểu hiện gì bất thường.

“Đến thời điểm hiện tại, các công trình thủy điện đảm bảo vận hành an toàn. Các đơn vị đang tiếp tục kiểm tra, tăng cường theo dõi, phân tích đánh giá các số liệu ghi nhận được và sẽ tiếp tục cung cấp thông tin thường xuyên tới Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các bộ ngành liên quan”, ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết.

Ông Ngô Sơn Hải cho biết thêm, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục quan trắc động đất thường xuyên và sẽ thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành để phân tích, đánh giá kỹ càng hơn hiện tượng động đất trong khu vực nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện.

Đối với hệ thống lưới điện trong khu vực, ông Ngô Sơn Hải cho biết, lưới điện truyền tải và phân phối trong khu vực không bị ảnh hưởng, vẫn đang vận hành an toàn, ổn định.

Công trình Thủy điện Sơn La

Theo ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, trận động đất trưa 27/7 có độ lớn M=5,3, là loại trung bình. Trên thế giới, trung bình có từ 1.000 - 1.500 trận mỗi năm. Đối với các hồ chứa thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình,…, trước khi xây dựng và tích nước hồ chứa đều được tính toán kỹ càng về tình trạng động đất và có thể chống chịu được những trận động đất có độ lớn hơn nhiều.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu lưu ý, động đất cũng hình thái thiên tai phức tạp nên cần tiếp tục theo dõi, nhất là những hồ chứa thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền quản lý của các địa phương.

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng cho hay, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Sơn La được thiết kế để chống chịu động đất ở mức cao hơn rất nhiều so với các trận động đất đã từng xảy ra tại Việt Nam. Do đó, có thể hoàn toàn yên tâm về độ an toàn của các công trình này. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn cần phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá lại chất lượng các công trình đặc biệt quan trọng này.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương, Bộ, ngành thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục theo dõi dư chấn động đất, kịp thời thông tin phục vụ chỉ đạo ứng phó, trong đó cần cung cấp thông tin thêm cho Bộ Công Thương, EVN, Bộ Giao thông Vận tải.


Theo EVN