'Cách ly nhưng không cách lòng': Xúc cảm chiều 30 Tết của lao động ngành Điện

Thứ năm, 11/2/2021 | 10:35 GMT+7
Họ vẫn luôn luôn bên nhau. Tình yêu, tình cảm gia đình, tình cảm đồng nghiệp sẽ giúp những người lao động ngành Điện đang trực Tết vượt qua tất cả, chờ ngày chiến thắng dịch bệnh để đón Tết muộn bên gia đình.

Xa nhà 2km cũng không thể về

Dù chỉ ở cách xa nhà có 2km, anh Nguyễn Xuân Hùng – nhân viên trực vận hành Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) vẫn không thể đón Tết cùng gia đình. Anh đang cùng đồng nghiệp cách ly tại nhà máy để trực vận hành, đảm bảo dòng điện vận hành an toàn, liên tục. Công việc của anh và đồng nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

Anh Hùng quê ở Phả Lại, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tết này, do TP Chí Linh thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đại gia đình anh phải ăn Tết ở nhiều nơi.

Rưng rưng nước mắt, chị Trần Quỳnh Giang – vợ anh xúc động chia sẻ, chưa bao giờ anh chị phải xa nhau lâu đến thế dù anh làm trong ngành Điện thường xuyên trực Tết. Bố mẹ chồng tuổi cao sức yếu, nhưng năm nay vợ chồng chị cùng các con cũng không thể về ăn Tết với ông bà. Con gái học Đại học Ngoại ngữ, vì dịch bệnh cũng phải ăn Tết ở Hà Nội. Anh thì cách ly tại nhà máy. Chỉ còn chị và con trai 9 tuổi đón Tết tại nhà.

Thấy đôi mắt đỏ hoe của vợ qua kết nối truyền hình trực tuyến, anh Hùng cũng xúc động không nói nên lời. Vì dịch bệnh, vì nhiệm vụ mà Tết này, anh không thể về ăn Tết cùng cha mẹ, sum vầy cùng vợ con. Anh đã biến những thiệt thòi đó thành động lực để quyết tâm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh coi nhiệm vụ của mình góp phần quan trọng để chiến thắng dịch bệnh, đảm bảo cho bà con đón Tết an toàn.

Anh cho biết: “Cách ly tại nhà máy từ ngày 1/2 đến nay, lâu rồi không được gặp vợ con mà chủ yếu trao đổi qua điện thoại. Tôi rất cảm ơn bà xã đã quan tâm lo lắng và kết nối với các thành viên trong gia đình dù tôi không có ở nhà. Ông bà nhớ con cháu nhưng vì giãn cách xã hội nên phải chấp nhận Tết này con cháu không quây quần. Nhưng ông bà rất thông cảm, động viên các con hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Cũng như anh Hùng, chị Huệ - nhân viên của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại vẫn đang trong ca trực chiều 30 Tết. Đây có lẽ là ca trực dài nhất trong thời gian đi làm của chị. Thay vì ở nhà dọn dẹp, thổi xôi và chuẩn bị mâm cúng giao thừa thì chị vẫn ngồi đây, chăm chú làm tốt nhiệm vụ.

Đón Tết muộn

Tết Nguyên đán năm nay, do dịch bệnh Covid-19, chồng chị Huệ công tác tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cũng không về nhà để chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh. Hai vợ chồng lại thêm những ngày xa nhau. Các con của chị gửi ông bà ngoại chăm sóc và đón Tết tại đây.

Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Năm 2020, ngành Điện chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19 và bão lũ. Nhằm động viên người lao động, vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, Tập đoàn và Công đoàn Điện lực Việt Nam đã có chương trình thăm hỏi, động viên các đơn vị chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, dịch bệnh. Đối với các đơn vị mà đoàn công tác không trực tiếp tới được thì đều gửi tặng những phần quà động viên anh chị em trực tiếp sản xuất, nhất là anh chị em làm việc trong vùng dịch. Đối với người lao động trực Tết liên tục thì các cấp công đoàn đều có sự kết nối trực tiếp qua các mạng xã hội, truyền hình trực tuyến để cổ vũ anh chị em".

Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, có ít nhất 13.000 người lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trực Tết, cùng với số nhân viên trực tăng cường. Tập đoàn cũng đã trích quỹ khen thưởng, đảm bảo chế độ lương nhằm chăm lo cho người lao động trong dịp Tết. Với những người lao động trong vùng cách ly thì ngoài chế độ lương thưởng còn có chế độ riêng biệt để động viên anh em đón Tết xa nhà. Các đơn vị có trích ngân sách hỗ trợ người lao động đón Tết, vui xuân, đảm bảo nhu cầu tinh thần và sinh hoạt nhằm mang không khí Tết đến nơi làm việc…

Tết này, dù nhiều gia đình người lao động chưa được đoàn viên do dịch Covid-19 nhưng họ đều tin tưởng sẽ chiến thắng dịch và sẽ trở về đón Tết muộn bên gia đình.

Link gốc.

 


Theo EVN