Ký ức đau thương...
Sau khi ngừng toàn bộ nhà máy an toàn, trên 40 anh em chúng tôi tập trung lại ở tầng hầm, mọi người đều mệt lả vì bụi than và thuốc pháo. Từ sáng đến giờ anh em chỉ uống nước cầm hơi và mọi người đều rất đói, pháo địch vẫn bắn cấp tập vào nhà máy, khu tập thể. Anh em cử người về nhà ăn, mở kho lấy mỳ gạo, băng qua các làn đạn chạy vào nhà máy để nấu ăn cho mọi người. Đêm xuống cảnh tĩnh mịch của nhà máy càng làm anh em chúng tôi luôn sát cánh bên nhau. Ban chỉ huy phân công người canh gác thay nhau suốt đêm. Một số anh em nằm vật vã dưới sàn nhà máy, nhưng có ai ngủ được đâu vì luôn cảnh giác, thay nhau canh chừng bọn thám báo Trung Quốc có thể đột nhập giữa đêm tối mịt mùng…
5 giờ sáng ngày 18/2/1979 anh em chúng tôi đều đã thức, cả thị xã Lào Cai im ắng lạ thường, anh Trung Vân liền cử anh Thuận - người bảo vệ và liên lạc của Ban chỉ huy chạy bộ qua cầu Cốc Lếu bị đánh hỏng từng đoạn để sang Cốc Lếu liên hệ với Bộ chỉ huy của thị xã để xin ý kiến chỉ đạo. Nhưng anh Thuận về báo cáo là cả Cốc Lếu đều vắng tanh không một bóng người, vậy là chúng tôi không biết liên lạc với ai. Lãnh đạo nhà máy gồm Ban giám đốc, Bí thư Đảng ủy, anh Trần Duy Hài đại đội tự vệ và tôi là Thư ký công Đoàn họp cấp tốc, có hai luồng ý kiến: - Cho anh em rút về tuyến sau hay ở lại?
Cuộc hội ý khẩn cấp và thống nhất tổ chức cho toàn bộ anh em rút về Phố Lu. Riêng anh Hài cương quyết không đi và bám trụ ở lại nhà máy. Anh đeo khẩu súng lục, vai khoác khẩu AK lẳng lặng rời đi khỏi chúng tôi, mặc cho anh em gọi anh quay lại để cùng rút nhưng anh vẫn lầm lũi bước đi.
Ngày 18/2 pháo Trung Quốc đã giảm bắn nhiều, anh em chúng tôi mỗi người một khẩu AK chạy bộ theo con đường sắt độc đạo chạy về Phố Lu. Chúng tôi đi suốt ngày đến chiều tối thì về tập kết ở Phố Lu, khi về đến nơi bà con các cháu chạy mau ra đón, các bà, các chị đều khóc; các cháu gọi bố, gọi cha ầm ĩ. Chúng tôi hỏi, đã về an toàn đến đây sao lại khóc thì các bà vợ kể lại: Người dân bên Cốc Lếu thấy pháo Trung Quốc bắn cấp tập vào nhà máy và thấy khói đen ngùn ngụt bao trùm cả nhà máy và cho rằng tất cả anh em chúng tôi đã chết hết rồi, do vậy khi chạy về đến Phố Lu báo cho anh chị em nhà máy là chúng tôi không còn một ai… Nay gặp lại mọi người đều mừng rơi nước mắt...
Từ 20/2/1979 toàn bộ CBCNV và gia đình được vận động chuyển bằng xe tải về Nhà máy Thủy điện Thác Bà, ở đây cán bộ công nhân viên nhà máy thủy điện đón tiếp chúng tôi rất ân tình. Nhà máy tạm đặt đại bản doanh ở đây hơn 100 gia đình sống tạm trong căn nhà lá năm gian.
Ông Nguyễn Văn Kỷ - nguyên Trưởng ca, Thư ký công đoàn Nhà máy điện Lào Cai
“Anh Hài ơi! Anh ở đâu?”
Khoảng đầu tháng 3/1979 được tin Trung Quốc đã rút khỏi 6 tỉnh biên giới, lãnh đạo nhà máy cử một Tổ tiền tiêu gồm 5 người do tôi làm Tổ trưởng cấp tốc trở lại Lào Cai về nhà máy để nắm tình hình. Đồng chí Giám đốc Trung Vân yêu cầu chúng tôi:
- Phải tìm ngay anh Hài!
- Vào nhà máy và các khu gia đình để nắm tình hình chuẩn bị đưa các đội lên thu hồi.
Tổ chúng tôi lên đến Lào Cai, đứng bản Cốc Lếu nhìn sang nhà máy không thấy ống khói đâu, nhà máy sụp đổ hết. 5 anh em chúng tôi đóng mảng vượt sông Hồng sang nhà máy, nhưng rất phân vân vì e rằng bọn Trung Quốc có thể gài mìn, đứng dưới mảng một lúc thì trên bờ hàng đàn chó thấy có người chúng sủa vang và tỏ ra mừng rỡ, từ trên bờ chúng chạy ào xuống bờ sông như mừng đón chúng tôi. Thế là 5 anh em chúng tôi theo đàn chó lên được nhà tập thể công nhân an toàn. Việc vào nhà máy cũng rất hồi hộp vì chúng tôi được phổ biến bọn lính Trung Quốc có thể gài mìn ở cửa nếu mở ra mìn nổ sẽ bị sát thương, chúng tôi cẩn thận dùng sào dài, bò sát mặt đất để đẩy các cửa. Sau hơn 1 giờ dò xét chúng tôi đã vào được các gia đình. Nhà nào cũng còn gạo mì, nhưng việc lấy nước đun nấu cũng phải cảnh giác sợ bọn chúng bỏ thuốc độc vào các bể nước, chúng tôi bảo nhau tìm từng bể nước nào có bọ gậy là dùng được an toàn. Chiều tối đó chúng tôi ăn nghỉ tại các khu gia đình. Nhưng đêm chúng tôi nằm phân tán dưới các gầm giường vì sợ bọn thám báo đột kích giết hại. Ngày hôm sau chúng tôi được các đồng chí bộ đội phổ biến quanh nhà máy và trong nhà máy đã an toàn vì mìn đã được gỡ. Chúng tôi đứng ngẩn ngơ nhìn nhà máy mà ai cũng nước mắt vòng quanh không kìm được. Tất cả 5 anh em chúng tôi ôm nhau khóc hu hu vì 20 năm gắn bó, nhà máy nay chỉ còn lại một đống sắt và xi măng…
Năm anh em chúng tôi chia nhau đi xuống các khu như trạm bơm tuần hoàn, các đường ống nước lớn, các hầm hố quanh nhà máy và lớn tiếng gọi “Anh Hài ơi! Anh ở đâu?” Nhưng tiếng gọi đó chỉ vang vọng lại giữa cảnh tĩnh lặng của núi rừng và những đống sắt thép nhà máy sụp đổ…
Tìm anh Hài nửa ngày không thấy, chúng tôi bò chui vào nhà máy quan sát thì thấy toàn bộ 5 tầng nhà máy sụp đổ, các máy tuabin, các gian lò, các thiết bị ngổn ngang vì bị mìn phá hủy, đến các khu tập thể gia đình cũng ngổn ngang gạch ngói hoang tàn. Tất cả tình hình bi tàn phá đó chúng tôi vội làm báo cáo cho người về gấp để báo cáo cho lãnh đạo và bà con ở Thác Bà nắm được. Từ đại bản doanh Thác Bà lãnh đạo nhà máy tổ chức các đoàn từ 20-30 người lên Nhà máy điện Lào Cai thu hồi thiết bị theo yêu cầu của Công ty Điện lực miền Bắc, nhưng khi chui vào nhà máy tháo, vận chuyển các thiết bị, mô tơ kéo ra ngoài thì hơi ôi! Tất cả các thiết bị đều bị bọn Trung Quốc gài mìn lá đánh hỏng, vỡ hết, sau đó chúng dùng 18 tấn bộc phá đánh sập hoàn toàn nhà máy. Khu trạm bơm tuần hoàn nằm sâu trong lòng đất cũng bị chúng đánh mìn nay chỉ còn như một cái ao lớn, sâu hoắm… Thu hồi nhà máy không được, các đội lại tập trung đi từng gia đình thu hồi đồ đạc quần áo và các vật dụng khác cho vào các bao tải đề tên từng gia đình. Đặc biệt là các sổ gạo, tem phiếu của các gia đình được gom cẩn thận, vì trước đó khi chạy giặc không ai mang theo được thứ gì vì chỉ nghĩ chỉ chạy tạm mấy hôm rồi lại về lại… Hàng tấn đồ đạc của bà con được vận chuyển về Thác Bà để mọi người đến nhận lại ai nấy đều mừng rỡ vì không có những thứ đó thời bao cấp thì lấy gì mà ăn…
Suốt 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 7/1979) lực lượng CBCNV nhà máy tập trung thu hồi tài sản cho bà con tuy không nhiều nhưng là thứ thiết yếu, bà con rất mừng. Cũng thời gian này lãnh đạo Bộ, Công ty Điện lực miền Bắc lên thị sát nhà máy và thấy không thể phục hồi nhà máy được nên quyết định giải thể nhà máy, phân chia cán bộ công nhân viên về các nhà máy, các Sở Điện lực của các Điện lực miền Bắc, miền Trung. Nhận tin này cán bộ công nhân viên chúng tôi vô cùng buồn… thế là từng tốp từ mười đến mười lăm người và các gia đình lần lượt được phân về các Điện lực mới, số còn lại trên 100 cán bộ công nhân ở lại Yên Bái để thành lập Sở Điện lực Hoàng Liên Sơn. Như vậy kể từ ngày 7/11/1959 đến tháng 7/1979 Nhà máy điện Lào Cai sau 20 năm vận hành đã chính thức bị giải thể, vì chiến tranh nhà máy đã bị hủy diệt hoàn toàn. Như vậy, cùng với Nhà máy điện Vinh (người anh em sinh đôi) cũng bị hủy diệt trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, Nhà máy điện Lào Cai vĩnh viễn không còn. Điều khác nhau là, bây giờ ai đã đi qua Vinh còn thấy được di tích của nhà máy vì còn ống khói cao sừng sững bên bờ sông Lam, nhưng với Nhà máy điện Lào Cai đến nay không lưu lại được di tích nào.
Nhà máy điện Lào Cai chỉ còn trong ký ức của chúng tôi lớp người đầu tiên đến trụ lại nhà máy những năm 1959 giờ đây hầu hết ở tuổi 70-90 cả rồi…
Những năm nhà máy bị đánh phá đã có 3 người ra đi, đầu tiên là cháu Tâm (con anh Tuyên chị Bảng) khoảng 9 tuổi, cháu bị ngay từ loạt pháo đầu tiên khi Trung Quốc bắn vào nhà máy. Nhà anh Tuyên công nhân ngay gần nhà máy bị pháo bắn, một mảnh pháo đã găm đúng thái dương cháu Tâm khi cháu đang xuống hầm. Chúng tôi từ nhà máy chạy xuống nhà, chị Bảng mẹ cháu vẫn còn ôm chặt con, người cháu còn nóng… Chúng tôi chỉ vội vuốt mắt, vuốt má cháu để cháu đi vào giấc ngủ ngàn thu.
Với trường hợp anh Trần Duy Hài, sau 10 năm khi tỉnh Lào Cai tái lập một số người đến nhà máy tìm kiếm sắt thép, khi đào đến hầm băng tải đã phát hiện bộ xương người với một đôi ủng và khẩu súng, mọi người nhận ra đó là bộ hài cốt anh Hài. Sau đó Sở Điện lực đã làm thủ tục và anh Trần Duy Hài được công nhận là liệt sỹ.
Người thứ ba là anh Nguyễn Mạnh Tống, trong đoàn công tác đi thu hồi tải sản bị vướng mìn, anh bị thương rất nặng một nửa thân dưới người anh dập nát, chúng tôi vội cáng anh đưa anh về trạm y tế cấp cứu nhưng anh đã không qua khỏi…
Gia đình ông Nguyễn Văn Kỷ (tác giả bài viết) chụp ảnh lưu niệm trước câu lạc bộ của Nhà máy điện Lào Cai năm 1977. Ảnh tư liệu
Khép lại quá khứ nhưng không được quên quá khứ!
Một ngày giữa tháng 7/1979 một số xe ô tô tải đã có mặt tại nhà máy Thủy điện Thác Bà để chuẩn bị đón, đưa các tốp Đoàn cán bộ công nhân viên chuyển về cơ sở mới, thế là từ nay chúng tôi vĩnh viễn xa rời nhau xa rời nhà máy, xa rời Lào Cai, nơi mà chúng tôi đã gắn bó đã dành cả tuổi xuân của mình cho nhà máy thân yêu, cho mảnh đất biên cương “đất lành chim đậu” cũng chính nơi đây đã có rất nhiều lứa đôi từng xây mái nhà hạnh phúc và hàng mấy chục con em đã ra đời từ mảnh đất đầy tình nghĩa này…
Khoảng 9 giờ sáng mọi người tay xách, nách mang đã đứng đầy đường, các bà, các chị, các cháu ôm chầm lấy nhau trong cảnh phân ly, nước mắt ướt đầm vai áo nhau. Tất cả quấn quýt nhau không rời, từ Ban lãnh đạo đến mọi người ai cũng nước mắt lưng tròng. Chúng tôi khóc vì cuộc chia ly bất đắc dĩ, khóc vì xót xa, thương tiếc nhà máy và biết bao kỷ niệm ấm tình người thời bao cấp.
Trong không khí trầm lặng đó, đồng chí Hà Phúc một danh ca, nghệ sĩ của nhà máy và cả tỉnh Lào Cai hồi đó bỗng khe khẽ cất giọng hát:
“Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man
Đã giày xéo mảnh đất tiền phương
Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương”
Thế là tất cả chúng tôi cùng hòa theo thành một dàn đồng ca, miệng thì hát, tay thì vỗ nhưng nước mắt ai cũng tuôn trào. Cuộc chia tay dấu ấn đó đã qua đi 42 năm nhưng Nhà máy điện Lào Cai, viên ngọc quý vùng biên cương với bao kỷ niệm thân thương vẫn còn trong ký ức chúng tôi không bao giờ quên, không bao giờ phai nhạt.
Đến nay cứ đến ngày 7/11 hàng năm cán bộ công nhân viên Nhà máy điện Lào Cai chúng tôi vẫn tập trung ở một số địa điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai để cùng nhau họp mặt, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ, nhớ đến ngày 17/2/1979. Giờ đây nhiều bác, anh chị đã ra đi vĩnh viễn, chỉ còn khoảng trên 100 người nhưng chúng tôi vẫn họp mặt cùng nhau. Lớp con cháu sinh ra từ mảnh đất Lào Cai nhưng đã trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống, công tác. Hiện nay lớp các cháu đã thay thế lớp người lớn tuổi chúng tôi tiếp tục điều hành Ban liên lạc để duy trì truyền thống họp mặt Nhà máy điện Lào Cai đã giữ được 31 năm qua…
Trong những ngày họp mặt chúng tôi luôn nhắc nhau và nhắc nhở con em của mình một điều là: Việt Nam và Trung Quốc đã trở lại hữu nghị cùng nhau, nhưng tháng 2/1979 cuộc chiến tranh 6 tỉnh biên giới phía Bắc năm xưa, chúng ta chỉ khép lại quá khứ nhưng không được quên quá khứ!