Lực lượng xung kích Công ty Nhiệt điện Thái Bình khơi thông hệ thống rãnh thoát nước xung quanh nhà máy để phòng, chống ngập úng.
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình có công suất phát điện 600MW gồm 2 tổ máy, tổng vốn đầu tư gần 27.000 tỷ đồng. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ông Nguyễn Đức Chính, Phó Giám đốc, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN Công ty cho biết: Mỗi cán bộ, công nhân Công ty luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình nên quyết tâm quản lý tốt, vận hành hiệu quả, ổn định và bảo vệ an toàn. Ngoài thực hiện nghiêm ngặt quy trình vận hành đúng kỹ thuật, sửa chữa, bảo dưỡng đúng định kỳ, Công ty triển khai nhiều giải pháp với phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ để ứng phó với thiên tai, duy trì sự an toàn cho nhà máy.
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình có 108 vị trí thuộc các khu vực, công trình như cảng than, dầu, đá vôi, trạm bơm nước làm mát, kho than, bồn dầu, sân phân phối 220kV, hồ thải xỉ... dễ bị tác động bởi thiên tai như dông lốc, mưa lũ, sét. Thấy rõ nguy cơ mất an toàn do thiên tai, Công ty đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT và TKCN do đồng chí Phó Giám đốc Công ty làm Trưởng ban. Hàng năm, Ban Chỉ huy đều kiện toàn nhân sự, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, cán bộ trực, chỉ đạo thực hiện các biện pháp PCTT, chỉ huy tại chỗ xử lý các tình huống thiên tai.
Công ty Nhiệt điện Thái Bình có 3 đội xung kích với 209 người được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PCTT và TKCN. Đây là lực lượng trực tiếp tham gia kiểm tra thực trạng các công trình, thiết bị, vị trí có nguy cơ xảy ra mất an toàn trong mùa mưa bão, đề xuất phương án gia cố, sửa chữa và xây dựng để bảo đảm an toàn. Ông Vũ Hải Duy, phân xưởng nhiên liệu, tổ trưởng tổ xung kích số 3 cho biết: Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đánh giá kho than, bồn dầu, khu vực chứa, vận chuyển nhiên liệu phục vụ 2 tổ máy nhằm kịp thời phát hiện những bất cập trong việc ứng phó với thiên tai, đề xuất với lãnh đạo Công ty có phương án gia cố, sửa chữa, nâng cấp. Tổ xung kích cũng thường xuyên luyện tập, tham gia diễn tập xử lý tình huống mưa to, gió lớn làm ngập nước, trôi than và xảy ra sự cố ở một số khu vực khác thuộc địa bàn phụ trách.
Hàng năm, trước khi bước vào mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Công ty Nhiệt điện Thái Bình đều tổ chức họp đánh giá nhu cầu sử dụng vật tư, phương tiện, từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức các gói thầu mua sắm tre, luồng, bạt, dây thép, kìm, máy bơm, xe rùa, cát, đèn pin... chuẩn bị sẵn sàng gia cố, chằng chống các công trình, vị trí xung yếu. Ông Phan Văn Nam, Trưởng phòng An toàn Môi trường, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN Công ty cho biết: Tất cả vật tư, phương tiện đều được kiểm tra chất lượng và tập kết tại các vị trí sẵn sàng ứng phó với tình huống bão, lũ. Riêng hồ thải xỉ có diện tích 27ha, hàng năm đều được tu bổ bờ, kè bằng việc đóng cọc tre, đắp bao cát gia cố để tránh sạt lở. 108 vị trí có điểm thu lôi nối đất cũng được kiểm tra chỉ số điện trở bảo đảm duy trì khả năng chống sét tốt cho toàn bộ nhà máy.
Nhằm giúp cho lực lượng chỉ huy, xung kích nắm chắc các phương án, vững tâm lý, thực hành thuần thục các công việc, kỹ năng xử lý sự cố và cứu hộ cứu nạn, hàng năm Công ty Nhiệt điện Thái Bình đều tổ chức diễn tập ứng phó với từng tình huống thiên tai. Thông qua diễn tập, đơn vị phát hiện và rút kinh nghiệm những điểm hạn chế, kịp thời bổ khuyết kế hoạch, phương án, nhiệm vụ PCTT và TKCN đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. Nhà máy nhiệt điện Thái Bình được đầu tư máy móc, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và được cán bộ, công nhân Công ty vận hành đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời chủ động trong công tác PCTT và TKCN nên nhiều năm liền không để xảy ra sự cố do thiên tai gây ra. Nhà máy luôn hoạt động ổn định, đến nay đã sản xuất an toàn và hòa vào lưới điện quốc gia gần 23 tỷ kWh.
Lực lượng xung kích diễn tập gia cố cửa trạm bơm làm mát tuần hoàn trong tình huống bão lớn gây sự cố.
Các lực lượng diễn tập che chắn chống trôi than trong tình huống ngập nước và gió lớn tạt vào kho than.