Đảm bảo an ninh năng lượng, các doanh nghiệp kiến nghị những gì?

Thứ bảy, 21/9/2024 | 08:35 GMT+7
Sáng 20/9 tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với EVN, TKV và PVN tổ chức hội thảo về cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh năng lượng.

Hội thảo với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ một số Bộ, ngành, địa phương liên quan: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn, cùng một số địa phương liên quan; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), cùng đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chuyên gia đến từ một số Viện, Trường đại học, hiệp hội ngành nghề liên quan...

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết, đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề không mới nhưng trong bối cảnh hiện nay thì bên cạnh đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu cho phát triển kinh tế đất nước còn phải đảm bảo giảm phát thải. Trong đó, lĩnh vực phát triển hạ tầng điện gió ngoài khơi là rất mới, còn ngành than khai thác ngày càng khó khăn, khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu, giá thành cao và công tác đảm bảo an toàn cho người lao động…

“Hội thảo được tổ chức nhằm giúp đại diện các tập đoàn nhà nước cũng như tư nhân chia sẻ, thảo luận về những thuận lợi, thách thức nhằm đảm bảo cung cấp đủ các nguồn năng lượng cho đất nước, tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời phát triển bền vững trong dài hạn.”- Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng nhấn mạnh.

Ông Trịnh Quang Ninh – Phó Trưởng ban Kế hoạch, EVN cho biết: Tính đến năm 2023, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống khoảng 80.555MW, trong đó tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664MW, chiếm tỷ trọng 26,9%, nhiệt điện than là 26.757MW- chiếm tỷ trọng 33,2%, thủy điện là 22.872MW, chiếm tỷ trọng 28,4%, các nhà máy nhiệt điện khí chiếm 8,9%, nhiệt điện dầu chiếm 1,4% và nguồn điện nhập khẩu khoảng 1%.

Mặc dù tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống khá cao so với nhu cầu công suất phụ tải cực đại, tuy nhiên phân bổ dự phòng nguồn điện giữa các miền không đồng đều, trong đó khu vực miền Bắc không có dự phòng về nguồn. Trong khi, với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, thời gian qua tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo tăng nhanh chóng chiếm khoảng 27% công suất toàn hệ thống, tuy nhiên các nguồn điện này lại có tính bất định cao, gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo điện và vận hành hệ thống.

Ông Ninh cũng cho biết, hiện EVN đang gặp khó khăn liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới cấp điện cấp tỉnh, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư, nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được nhà nước giao.

Từ những khó khăn trên, EVN đề nghị hoàn thiện các cơ chế phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn như cơ chế giá, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo kết hợp pin tích trữ; hoàn thiện cơ chế khuyến khích đầu tư các nguồn cung cấp công suất và dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện, cơ chế hỗ trợ cho các dự án điện cấp bách…

Về phía các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi, ông Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch hội Dầu khí Việt Nam chia sẻ: Tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424MW (23 dự án).

Đến tháng 6/2024 hiện đã đưa vào vận hành Nhiệt điện Ô Môn 1(660MW); đang đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sử dụng đến nay tiến độ đạt trên 90% sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải; điện gió ngoài khơi mới có 1 dự án được Chính phủ cho phép triển khai nghiên cứu dự án tiền khả thi.

Ông Nguyễn Quốc Thập chia sẻ, khó khăn hiện nay chính là các vấn đề cơ chế chính sách về điều chỉnh quy hoạch điện do chưa có hướng dẫn; cơ chế tài chính và thu xếp vốn cho đầu tư phát triển các dự án điện lớn gặp khó khăn và mất nhiều thời gian để thu xếp, xử lý; vấn đề về bảo lãnh Chính phủ cho các dự án điện bao gồm dự án sử dụng nguồn năng lượng mới; các chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện khai thác và sử dụng dụng nguồn năng lượng mới do Luật Điện lực đang được xây dựng sửa đổi; cam kết và rủi ro liên quan đến tiến độ dự án đấu nối và truyền tải điện cũng như công tác kiểm toán năng lượng…

Hội Dầu khí kiến nghị, để đảm bảo có khung pháp lý đầy đủ và hệ thống cơ chế chính sách phù hợp, cần phải sửa và bổ sung và có hướng dẫn cụ thể đồng bộ một số luật: Điện lực, Đầu tư, Đấu thầu, Thuế, Đất đai, Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Quy hoạch, Bảo vệ môi trường, Thuế… nhằm giải quyết những các vướng mắc, khó khăn trong đầu tư dự án nói chung và các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi nói riêng.

Đơn cử, đối với Luật Bảo vệ môi trường cần rà soát, bổ sung các hướng dẫn nội dung về kiểm đếm phát thải khí các-bon, quy định, điều kiện quy đổi khí phát thải.

Đối với Luật thuế, cần nghiên cứu bổ sung các hướng dẫn có liên quan đến cơ chế thuế phí đối với đầu tư, vận hành các dự án điện khí LNG, các dự án/ công trình điện gió ngoài khơi; quy định hướng dẫn việc áp dụng thuế xuất khẩu điện; bổ sung các quy chuẩn phát thải và khung thuế/phí mua bán khí phát thải các-bon để có cơ sở cho các đơn vị và cơ quan quản lý thực hiện.

Muốn kiểm soát được giá LNG phải tuân thủ thị trường và phải có cam kết dài hạn để ký hợp đồng dài hạn, tuy nhiên Luật Điện lực hiện tại chưa cho phép, vị thế của EVN và PVN với điều lệ và quy chế hoạt động không đủ điều kiện để đi đàm phán, cam kết để có thể triển khai dự án. Do vậy, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị: Nâng cấp Nghị định của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động cùng Quy chế tài chính của các Tập đoàn Nhà nước tương đương với bộ Luật do Quốc hội ban hành nhằm đảm bảo đủ hành lang pháp ký cho các Bộ, ngành và các Tập đoàn thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao mà không bị xung đột với các Bộ luật có liên quan.

Ở góc độ là doanh nghiệp trực tiếp triển khai các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi, đại diện PVN đề xuất: Để phát triển các dự án nhiệt điện LNG theo Quy hoạch điện VIII cần cho phép bao tiêu sản lượng điện dài hạn đối với các nhà máy nhiệt điện LNG theo cơ chế chuyển ngang từ hợp đồng mua LNG với tỷ lệ bao tiêu hợp lý sản lượng bổ sung của các nhà máy điện. Đồng thời, chấp thuận chuyển ngang giá LNG nhập khẩu, cước phí tồn trữ, tái hóa và phân phối LNG vào giá điện,…

Link gốc


Theo EVN