Tham dự buổi làm việc có ông Trần Hồng Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Quang Huy - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; ông Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cùng đại diện các cơ quan, bộ, ngành liên quan…
Về phía EVN, có ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN, ông Nguyễn Đức Cường – Thành viên HĐTV EVN.
Tại cuộc làm việc, Chính phủ đã báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua như: những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan; giải pháp và đề xuất, kiến nghị…
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, các thành viên đoàn giám sát đã tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến chuyển dịch năng lượng, an ninh năng lượng, thực hiện quy hoạch điện, quy hoạch năng lượng, giá năng lượng, tái cơ cấu các doanh nghiệp năng lượng…
Theo đánh giá của đoàn giám sát, các ý kiến trao đổi thẳng thắn, có tính xây dựng, tâm huyết, trách nhiệm và đúng vào trọng tâm các vấn đề đoàn giám sát đề ra. Các vấn đề được các đại biểu, thành viên đoàn giám sát quan tâm đã được đại diện Chính phủ và các cơ quan liên quan giải trình cơ bản rõ ràng, cụ thể.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, nhấn mạnh: Giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng nói chung và ngành Điện lực nói riêng đã có những bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng của Đảng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Những kết quả tích cực đạt được của ngành năng lượng trong giai đoạn 2016 - 2021 là tiền đề, động lực quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, trong thời gian qua Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và tổ chức thực hiện theo quy định, góp phần phát triển năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn giám sát tại cuộc làm việc, đồng thời coi đây là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong thời gian qua; đặc biệt là kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, có những giải pháp căn cơ trong trước mắt, cũng như lâu dài để thể chế hóa, cụ thể hóa và triển khai kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng.
“Quốc hội sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương lớn này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đến nay, Đoàn giám sát “Việc thực hiện Chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2026-2021” đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, cùng 11 địa phương.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc buổi làm việc
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu
Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo đoàn giám sát
Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN (hàng ghế đầu, ngoài cùng bên trái) tham dự buổi làm việc
|