Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa là một trong những dự án thành phần quan trọng thuộc công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa NMNĐ Nam Định I – Phố Nối, giúp tăng cường truyền tải điện an toàn ra Bắc.
Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa đặt tại xã Thiệu Tiến và xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (nằm ở khoảng giữa của toàn tuyến công trình đường dây 500 kV Quảng Trạch – Phố Nối). Phần đường dây đấu nối 220kV đi qua địa phận xã Thiệu Phúc, Thiệu Vận, Thiệu Viên, Thiệu Lý, thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải và lãnh đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia kiểm tra công tác sẵn sàng đóng điện hòa lưới TBA 500kV Thanh Hóa
|
Dự án có tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.444 tỷ đồng do EVNNPT làm chủ đầu tư, CPMB được giao quản lý, điều hành dự án, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 thiết kế xây dựng, Công ty Truyền tải điện 1 tiếp nhận vận hành.
Đây là trạm biến áp, xây dựng mới TBA 500/220kV với quy mô gồm 3 máy biến áp 500/220/35kV công suất mỗi máy biến áp là 600MVA, giai đoạn hiện tại lắp đặt 02 máy biến áp 600MVA.
Phía 500kV lắp đặt thiết kế 10 ngăn lộ bao gồm 7 ngăn lộ đường dây, 3 ngăn lộ máy biến áp và dự phòng vị trí cho ngăn phân đoạn thanh cái. Phía 220kV thiết kế theo sơ đồ hai thanh cái có thanh cái đường vòng, quy mô đầy đủ gồm 21 ngăn.
Lãnh đạo EVNNPT cùng các đơn vị liên quan chứng kiến thời khắc đóng điện Dự án
|
Phần đường dây đấu nối 220kV, xây dựng mới 01 tuyến đường dây 04 mạch từ TBA 500kV Thanh Hóa đến điểm đấu nối trên các đường dây 220kV Nông Cống – Thanh Hóa (dài khoảng 7,5 km).
Ông Trương Hữu Thành – Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết: Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa có nhiệm vụ tăng cường cung cấp điện cho phụ tải tỉnh Thanh Hóa và Bắc Trung Bộ; Tiêu thụ công suất phát khu vực Bắc Trung Bộ vào hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 220kV, 500kV; Nâng cao độ tin cậy hệ thống, tăng khả năng cung cấp nguồn điện 500kV, 220kV đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho khu vực.
Trong quá trình triển khai, dự án gặp một số thách thức khi bàn giao mặt bằng là đầm lầy lớn, vì vậy khối lượng san gạt gần 459.000 m3, thời gian thi công gấp, thời tiết mưa nắng thất thường. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa, mặt bằng đã sớm được bàn giao, những vướng mắc được giải quyết để các đơn vị tổ chức thi công.
Cùng với đó, Dự án cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của lãnh đạo EVN, EVNNPT và tinh thần làm việc “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp” của các kỹ sư, công nhân CPMB, các nhà thầu, các đơn vị Điện lực hỗ trợ, nên hiện nay dự án đã hoàn thành sớm 2 ngày so với tiến độ đề ra.
“Đối với một trạm biến áp 500kV, thường thời gian thi công là 365 ngày, nhưng công trình Trạm biến áp 500kV Thanh Hoá (thi công từ ngày 18/1/2024) đã được thi công hoàn thành trong chỉ 5 tháng 10 ngày. Điều này đã cho thấy quyết tâm cao, nỗ lực lớn của lãnh đạo EVN và EVNNPT trên công trường. Người đứng đầu EVN, EVNNPT đã chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, kế thừa thành quả, kinh nghiệm các công trình đường dây trước đây, với tư duy, phương pháp luận, cách làm phù hợp, đã rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, đưa Dự án về đích, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Phó Tổng giám đốc EVNNPT Trương Hữu Thành cho biết.
Đại diện nhà thầu thi công cho biết: Có thể nói đây là dự án rất cấp bách, với khối lượng hạng mục công việc lớn. Để hoàn thành Dự án đúng tiến độ, thực hiện chỉ đạo của EVN/EVNNPT, trên công trường luôn có trên 300 cán bộ, kỹ sư và công nhân tham gia, ngoài lực lượng của nhà thầu còn có lực lượng của truyền tải và các đơn vị Điện lực tham gia hỗ trợ.
Việc hoàn thành Dự án giúp tăng cường khả năng cung cấp điện cho phụ tải tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ; Truyền tải công suất phát ra từ các nguồn điện trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 220kV và 500kV; Nâng cao độ tin cậy hệ thống, tăng khả năng cung cấp nguồn điện 500kV, 220kV, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho khu vực.