Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối đến điểm cầu của UBND 9 tỉnh có đường dây đi qua.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo UBND 9 tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có Chủ tịch HĐTV Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Phạm Hồng Phương, lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).
99,99% vị trí móng đang thi công đồng loạt
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự nỗ lực, quyết tâm cao của EVN/EVNNPT và các nhà thầu, đến nay dự án đã được bàn giao 100% vị trí móng cột và 43,34% khoảng néo. Hiện nay, các đơn vị đang triển khai đồng loạt trên toàn tuyến 1176/1177 vị trí (đạt 99,99%), còn 1 vị trí đang thỏa thuận chi phí đền bù với hộ dân để làm đường vào thi công; hoàn thành đúc móng 321/1177 vị trí; nhận và bàn giao đến công trường 104/1177 cột thép; hoàn thành lắp dựng 23/1177 cột thép, đang lắp dựng 49/1177 cột thép.
Bộ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận nỗ lực của EVN, EVNNPT, các địa phương trong triển khai các Dự án đường dây 500kV mạch 3
|
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai 4 tại chỗ, EVN/EVNNPT đã khẩn trương, tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương. Đến nay, đã huy động/thuê 2.332 máy và phương tiện thi công các loại của 125 công ty và 93 cá nhân ở địa phương; huy động/thuê 7.433 người của 25 công ty và 191 tổ đội, chiếm khoảng 87% lao động phổ thông tham gia thực hiện; hơn 96% vật liệu xây dựng được mua tại 223 công ty địa phương...
Song song đó, EVN, EVNNPT và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thường xuyên có mặt tại công trường để điều hành, đôn đốc từng nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công; thường xuyên kiểm tra công tác thi công ca 3 (ca đêm) để động viên, khích lệ tinh thần của người lao động trên công trường.
Đối với các nhà thầu chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ, chủ đầu tư đã kiểm tra, làm việc trực tiếp tại công trường và tại nhà máy sản xuất, kịp thời phối hợp, hỗ trợ các nhà thầu tháo gỡ các vướng mắc, phát sinh nếu có.
Vẫn còn những khó khăn
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng hiện nay các Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, toàn dự án có 240 móng cọc, thời gian thi công dài và phải có máy thi công chuyên ngành như robot ép cọc, máy đóng cọc. Việc đồng thời huy động số lượng lớn máy cho 240 vị trí móng cọc trên toàn tuyến trong thời gian ngắn là rất khó khăn. Chưa kể, tại nhiều địa phương không có máy ép cọc/đóng cọc công suất lớn, phải huy động từ các vùng miền khác gây chậm tiến độ; nhiều vị trí móng bị cô lập bởi xung quanh là ao - đầm - kênh - sông, nên việc mở đường vào cho máy ép cọc mất nhiều thời gian, công sức và chi phí, do máy có tải trọng lớn (200 tấn/1 máy).
Công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, mở đường vào thi công… cũng vẫn còn một số vướng mắc.
Không chỉ có vậy, tổng khối lượng thép của 4 dự án mạch 3 là gần 140 nghìn tấn thép, chế tạo thành 1177 cột trong thời gian rất ngắn (105 ngày). Vì vậy, nhiều đơn vị đã không nhập kịp nguyên vật liệu đầu vào và bị quá tải so với năng lực sản xuất trong một số thời điểm, gây chậm tiến độ cung cấp cột thép. Đối với thép khổ lớn chỉ một số ít nhà sản xuất trong nước có thể đáp ứng được, còn lại phải nhập khẩu.
EVN/EVNNPT và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung đã liên tục đi kiểm tra nhà máy sản xuất, đôn đốc các nhà thầu/đơn vị chế tạo cột nhằm đẩy nhanh tiến độ nhập nguyên liệu đầu vào, tăng cường nhân lực, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất và ưu tiên cho các Dự án đường dây 500kV mạch 3. Một số đơn vị sản xuất có biểu hiện quá tải, EVN/EVNNPT và các Ban Quản lý dự án đã làm việc với các nhà sản xuất để bổ sung thêm các đơn vị có năng lực cùng tham gia hỗ trợ cho nhà thầu chính trong việc chế tạo cột thép.
Ngoài ra, trên công trường, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung đã thực hiện thêm giải pháp điều hành thi công, điều chuyển các loại cột khác nhau giữa các gói thầu xây lắp để đồng bộ giữa việc cấp cột cho các vị trí móng đã hoàn thành, nhằm hạn chế tối đa việc móng đã hoàn thành nhưng phải chờ cột và ngược lại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của các địa phương trong thời gian qua trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như phối hợp với chủ đầu tư trong thực hiện 4 tại chỗ. Lãnh đạo EVN rất mong, trong thời gian tới, chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là phối hợp với chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt hành lang tuyến, mở đường thi công vào các vị trí,… để các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ.
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, thời gian qua, các Bộ, ngành, UBND 9 tỉnh có dự án đi qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nên công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao hành lang tuyến và tổ chức thi công… đã có những chuyển biến tích cực.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến UBND 9 tỉnh có đường dây đi qua
|
Dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện một số hạng mục vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Công tác bàn giao mặt bằng hành lang tuyến đến nay mới chỉ đạt 43,04%, còn 285 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng. Nếu không xử lý dứt điểm các vướng mắc để bàn giao toàn bộ hành lang tuyến sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các dự án.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Trong đó, UBND tỉnh có các dự án đi qua cần phối hợp với chủ đầu tư tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, để các hộ dân đồng thuận, bàn giao toàn bộ mặt bằng hành lang tuyến trong tháng 3/2024.
Song song đó, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thỏa thuận, mở đường vào thi công và bãi tập kết nguyên vật liệu, đặc biệt là một số vị trí đang gặp khó khăn chưa thể triển khai thi công (trong đó có các vướng mắc tại vị trí 127 thuộc Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu).
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các tỉnh và EVN/EVNNPT triển khai thực hiện Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh nếu có.
Với EVN và EVNNPT, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu để tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là với những vị trí có địa hình khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thời tiết cần thi công bù tiến độ; sớm hoàn thành các thủ tục lựa chọn lại nhà thầu gói thầu cung cấp kháng điện của Dự án Quảng Trạch – Quỳnh Lưu; tiếp tục phối hợp với các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…, đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.