EVN đang nỗ lực đảm bảo cung ứng điện, cân bằng tài chính

Thứ năm, 14/9/2023 | 06:53 GMT+7
Là một trong những thông tin được ông Đặng Hoàng An – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), sáng 14/9.

Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. 

Chủ trì hội nghị sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, đánh giá cao kết quả của DNNN đóng góp vào kết quả chung của cả nước trong năm 2022 và những tháng vừa qua của năm 2023; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các DNNN gặp phải từ tình hình trong nước và quốc tế.

Thủ tướng nêu rõ, thông điệp của hội nghị là chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo. Tinh thần là hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhân dân và doanh nghiệp, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nêu 6 quan điểm chỉ đạo điều hành và 12 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới để doanh nghiệp Nhà nước phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt, mở đường.

Hội nghị diễn ra sáng 14/9 tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến đến 63 địa phương. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại hội nghị này, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết, EVN đang tập trung 3 nhiệm vụ chính: Bảo đảm cung ứng điện; nỗ lực cân bằng tài chính; thực hiện các kế hoạch đầu tư - xây dựng.

Về cung ứng điện, EVN đã chủ động chuẩn bị các giải pháp đảm bảo điện từ tháng 8 đến cuối năm 2023 và năm 2024. Về những khó khăn trong cân bằng tài chính, EVN đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nội tại như: tối ưu hóa chi phí, tối ưu huy động nguồn, cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm bớt khó khăn tài chính…

Chủ tịch HĐTV EVN cũng cho biết, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, EVN kỳ vọng trong thời gian tới sẽ dần cân bằng được tài chính.

Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Trong công tác đầu tư - xây dựng, dù năm nay EVN vẫn nằm trong số các tập đoàn, tổng công ty đầu tư lớn nhất (với giá trị 94.860 tỷ đồng), nhưng con số này vẫn thấp hơn so những năm trước. Có những năm EVN đầu tư lên đến 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong công tác đầu tư, EVN hiện đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc.

Cũng theo lãnh đạo EVN, đầu tư cho năng lượng là đầu tư cho hạ tầng thiết yếu, đầu tư lớn mà thu hồi vốn chậm; trong khi thể chế hiện nay chưa có cơ chế đặc thù cho đầu tư năng lượng. Vì vậy, cần có chế cơ chế đặc thù cho lĩnh vực năng lượng.

Lãnh đạo EVN cũng đề nghị cần có cơ chế để HĐTV các tập đoàn được phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa, để phân cấp tiếp xuống các đơn vị thành viên với tinh thần phân cấp đến đâu, chịu trách nhiệm đến đó. Quy chế nội bộ các tập đoàn cũng cần phải sửa đổi, bổ sung, cần có quy chế bảo vệ cán bộ thực sự làm công tâm, vô tư. Do đó, mong Chính phủ sớm ban hành Nghị định về vấn đề này.

Cả nước có:

- 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư


Theo EVN