EVN tổ chức hội thảo trực tuyến về chuyển đổi số với Trường Đại học RMIT (Úc)

Thứ tư, 3/11/2021 | 04:12 GMT+7
Chương trình hội thảo về chuyển đổi số do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Trường Đại học RMIT (Úc) tổ chức ngày 3/11 diễn ra thành công tốt đẹp, cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích giúp EVN mở rộng góc nhìn về chuyển đổi số.

 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có gần 1.000 điểm cầu tham dự buổi hội thảo trực tuyến với các chuyên gia, tiến sĩ hàng đầu từ Trường Đại học RMIT. Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chủ trì hội thảo.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng chiến lược cụ thể với mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành trong năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, EVN cần ứng dụng công nghệ số vào nhiều lĩnh vực hoạt động của mình, vừa mang lại nhiều giá trị cho khách hàng, vừa tăng năng suất và giảm chi phí cho EVN. Trong lộ trình này, EVN rất cần sự hỗ trợ đắc lực từ các đối tác trong quá trình triển khai chuỗi hoạt động chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số.

Đáp lời của Phó Tổng giám đốc EVN, Giáo sư Julie Cogin - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học RMIT cảm ơn và nhấn mạnh RMIT rất hân hạnh được hợp tác cùng EVN trong hành trình trở thành doanh nghiệp số. Giáo sư Julie Cogin tin rằng, EVN và RMIT sẽ trở thành những đối tác quan trọng của nhau, cùng nhau đóng góp giá trị cho ngành năng lượng Việt Nam trong tương lai.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại hội thảo, PGS Nguyễn Quang Trung - Trưởng nhóm bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Trường Đại học RMIT đã giới thiệu những khái niệm quan trọng về chuyển đổi số, khởi đầu từ việc phân biệt về số hóa và chuyển đổi số (CĐS) mà nhiều người có thể lầm tưởng. Theo đó, số hóa là bước chuyển thông tin sang dạng kỹ thuật số. Đây có thể được gọi là bước tin học hóa, là một thành phần của quá trình chuyển đổi số. Trong khi đó, chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện của mô hình và tổ chức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, tối ưu và tự động hóa liên tục các quy trình, bộ phận và hệ sinh thái kinh doanh của thời đại siêu kết nối (giữa khối văn phòng trước và back office, dữ liệu, con người, đội nhóm, công nghệ…). 

Cũng theo PGS Nguyễn Quang Trung, có 6 yếu tố cần lưu ý để thực hiện CĐS, đó là quản trị - chiến lược - văn hóa - kỹ thuật và an ninh mạng – phân tích dữ liệu – năng lực chuyển đổi số. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, từng yếu tố sẽ có vai trò khác nhau. 

Phân tích về việc chuyển đổi từ nền công nghiệp sang nền kinh tế số, Giáo sư Jason Potts - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Blockchain, Trường Đại học RMIT cho biết vai trò to lớn của công nghệ Blockchain. Theo Giáo sư Jason Potts, trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ Blockchain cũng có thể ứng dụng cho các hoạt động như: hóa đơn tự động, tự động hóa, lưới điện thông minh và truyền tải dữ liệu, quản lý lưới điện, quản lý bảo mật và nhận dạng, chia sẻ tài nguyên,...

Cũng tại hội thảo, Giáo sư Robert (Bob) McClelland - Phó Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị, Trường Đại học RMIT đã cung cấp đến các đại biểu một mô hình tháp chiến lược 4 bậc, tương ứng với 4 giai đoạn (lập kế hoạch - thực thi - duy trì - tối ưu hóa hoạt động) để tạo ra khung chuyển đổi số.

Trong phần cuối của hội thảo, Giáo sư Mathews Nkhoma - Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị, Trường Đại học RMIT cập nhật những thông tin mới nhất về quá trình chuyển đổi số trong ngành năng lượng, cũng như nêu rõ vai trò của lãnh đạo trong chuyển đổi số.

Theo Giáo sư Mathews Nkhoma, người lãnh đạo phải biết lắng nghe, hành động, phản ứng về mọi mặt lý trí, tình cảm để toàn thể CBCNV đi theo định hướng mới khi môi trường thay đổi nhanh và nhiều thử thách. Cũng theo ông, người lãnh đạo cần đào tạo, hướng dẫn nhân viên cách thấu hiểu và thông cảm với khách hàng; tạo cảm giác thoải mái cho nhân viên khi nhận được những phản hồi của họ; dạy nhân viên cách dẫn dắt cũng như thực thi nhiệm vụ; trao đổi với nhân viên bằng tông giọng nhẹ nhàng, hòa hoãn, tránh những ngôn từ trừu tượng; hướng dẫn nhân viên cách để tương tác bình đẳng.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cảm ơn các chuyên gia từ Trường Đại học RMIT đã dành thời gian trao đổi, chia sẻ với EVN; đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác sâu hơn đối với Trường Đại học RMIT trong quá trình chuyển đổi số của EVN. Buổi hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp. 

Các chuyên gia của Trường Đại học RMIT tham dự hội thảo:

Giáo sư Jason Potts, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Blockchain

Ông đã viết 5 cuốn sách và xuất bản hơn 80 bài báo về các chủ đề bao gồm lý thuyết tăng trưởng, các ngành công nghiệp sáng tạo, kinh tế của các thành phố, xu hướng đổi mới và gần đây là về kinh tế học tiền điện tử và blockchain.

 

 

Giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị

Người dẫn đầu trong việc thực hiện các phương pháp giảng dạy sáng tạo, đưa ra các chương trình đáp ứng nhu cầu mới, đồng thời phát triển và tổ chức một số hội nghị học thuật và hội thảo kinh doanh được đón nhận nồng nhiệt.

 

Giáo sư Robert (Bob) McClelland, Phó Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị

Ông chuyên về học tập kinh doanh, quản trị, lãnh đạo, nghiên cứu kinh doanh và thống kê, và ông có 47 năm kinh nghiệm với tư cách là một nhà khoa học, trong giáo dục kinh doanh và nghiên cứu.

 

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Trung, Trưởng nhóm Bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh và Quản trị

Trước khi đảm nhiệm vị trí tại RMIT Việt Nam, anh từng làm việc tại Tập đoàn FPT với vai trò cố vấn và Đại học Mở với vai trò Giám đốc Trung tâm E-learning. Ông cũng là người đồng dẫn đầu nhóm nghiên cứu về Quản trị Chuyển đổi Thông minh và Trung tâm Thành phố Thông minh tại RMIT Việt Nam.

 

 


Theo EVN