EVNNPT chủ động các biện pháp ứng phó với thiên tai năm 2020

Thứ tư, 10/6/2020 | 05:00 GMT+7
Trước mùa mưa bão, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng kịch bản tình huống cực đoan nhất để ứng phó kịp thời. Evn.com.vn có cuộc trao đổi với ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc EVNNPT.

Ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT

PV: Năm 2020 được dự báo sẽ có nhiều cơn bão tác động đến nước ta. Với hệ thống truyền tải trải dài cả nước, EVNNPT đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Ông Lưu Việt Tiến: Phương án ứng phó với thiên tai đã được EVNNPT và các đơn vị triển khai ngay từ đầu năm. Tại EVNNPT và các đơn vị cấp dưới đều thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN). Hằng năm, các đơn vị lập phương án PCTT & TKCN bao gồm: Xử lý các khiếm khuyết thiết bị trên đường dây, TBA; chuẩn bị vật tư phương tiện, lực lượng; xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai, phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống.

Trong đó, chúng tôi cũng tính đến cả những tình huống cực đoan như thiên tai gây sự cố gãy đổ cột điện 220 và 500kV của hệ thống 500kV Bắc - Nam. Các công ty truyền tải điện phải chuẩn bị vật tư, cột dự phòng có kết cấu tương tự, chuẩn bị nhân lực sẵn sàng ngay để khắc phục nếu xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, các điều độ miền để nhanh chóng có phương thức truyền tải cung cấp điện, giảm thiểu ảnh hưởng nhất,...

Đến nay, những ảnh hưởng của mùa mưa bão năm trước như sạt lở móng cột đường dây, sạt trượt, lún taluy tại trạm biến áp đã được khắc phục. Các đơn vị cũng đã tổ chức diễn tập phương án PCTT & TKCN xong trước tháng 6.

PV: Cùng với đó, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đến nay vẫn còn nhiều tồn tại. EVNNPT đã và đang triển khai giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên thưa ông?

Ông Lưu Việt Tiến: EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân.

Các hình thức tuyên truyền bao gồm: Tổ chức hội nghị tuyên truyền tại UBND huyện, xã, thôn, trường học; tuyên truyền trên truyền hình, phát thanh trên loa truyền thanh của xã, thôn, xe lưu động; phát tờ rơi đến người dân và trường học.

Hiện nay, tình trạng thả diều gần đường dây truyền tải rất "nóng". Các công ty truyền tải điện, đội truyền tải điện đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là tại những nơi người dân hay thả diều. Các đơn vị truyền tải điện cũng ký kết quy chế phối hợp với chính quyền và công an các địa phương, phối hợp với các đơn vị điện lực trên địa bàn. Các hành vi thả diều gây sự cố sẽ bị xử phạt theo quy định của Pháp luật.

Ngoài ra, tại các truyền tải điện cũng sử dụng công nghệ giám sát bằng UAV, camera gắn trên các điểm cao để phát hiện và ngăn chặn sớm nguy cơ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải. 

PV: Xin cảm ơn ông!


Theo EVN