Gỡ vướng trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang dự án điện

Thứ năm, 6/8/2020 | 06:30 GMT+7
Ngày 6/8, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để tìm hiểu những vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang phục vụ các dự án điện, đồng thời làm rõ thêm những quy định của pháp luật có liên quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; ông Lê Đình Thơm - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp); đại diện Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về phía EVN có ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn.

Cuộc họp được truyền hình trực tuyến tới các đơn vị thuộc EVN.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương, đặc thù của các dự án điện (đặc biệt là dự án thủy điện và đường dây điện các cấp điện áp từ 110kV đến 500kV), khi lựa chọn địa điểm xây dựng ngay từ giai đoạn Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi luôn phải tuân thủ nguyên tắc giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, các công trình công cộng và khu vực có liên quan đến quốc phòng an ninh (tránh tối đa đi qua khu dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế và khu dân cư tập trung,...). Do đó, khi thỏa thuận với địa phương về địa điểm xây dựng, một số khu vực không tránh khỏi có ảnh hưởng đến đất rừng.

Trong quá trình triển khai, EVN và các đơn vị trực thuộc đang gặp một số vướng mắc liên quan đến nội dung, trình tự và thời gian hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng (CMĐSDR) sang phục vụ các dự án điện. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, trong đó có cả những dự án yêu cầu gấp về tiến độ.

Một số kiến nghị của EVN đối với Tổng cục Lâm nghiệp như: Có hướng dẫn cụ thể về nội dung Báo cáo thuyết minh của hồ sơ đề nghị CMĐSDR đối với các công trình đường dây điện lực (dạng tuyến) khi thực hiện Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ; kiến nghị cho phép sử dụng bản đồ hiện trạng rừng tỷ lệ 1/5.000, không phân biệt diện tích sử dụng rừng (do có phần diện tích móng phải thu hồi vĩnh viễn và phần bị ảnh hưởng hành lang an toàn); thời điểm cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương CMĐSDR không chậm hơn trước khi thực hiện Dự án (áp dụng Khoản 3 Điều 19 Luật Lâm nghiệp quy định điều kiện CMĐSDR “có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định”).

Đối với các dự án xây dựng theo Quy hoạch điện đã được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ/cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt, trường hợp có sử dụng đất rừng (nói chung), Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép CMĐSDR sang mục đích xây dựng công trình điện, mà không phải thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương CMĐSDR cho từng dự án.

EVN kiến nghị Bộ NN&PTNT thống nhất quan điểm thiết kế đường dây điện lực đi qua đất rừng theo nguyên tắc: Đối với rừng tự nhiên (nguyên sinh), rừng đặc dụng và rừng phòng hộ để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến đất rừng và độ che phủ của rừng, đồng thời đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật của dự án điện, cần nghiên cứu thiết kế cột điện đủ cao để treo dây dẫn cho các đoạn tuyến vượt rừng (ngoại trừ vị trí móng). Đối với rừng trồng, rừng tự nhiên (thứ sinh) cần nghiên cứu thiết kế ứng với phương án giải tỏa cây trong hành lang tuyến theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ, kết hợp trồng bù rừng theo quy định.       

Tại cuộc họp, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của EVN trong thời gian qua đối với thủ tục CMĐSDR. 

Theo ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, với những dự án có đặc thù, không có trong quy định pháp luật, đề nghị EVN có tờ trình kèm hồ sơ đầy đủ để Tổng cục Lâm nghiệp nắm bắt, đề xuất phương án trình các cấp có thẩm quyền. Tất cả các hồ sơ CMĐSDR sẽ do UBND tỉnh/thành phố trình Bộ NN&PTNT, để Bộ NN&PTNT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ. Do đó, EVN cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án điện.


Theo EVN