Khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất sang khung giờ thấp điểm

Thứ năm, 11/4/2024 | 08:06 GMT+7
Giờ cao điểm tiêu thụ điện tăng mạnh, cho nên cần cơ chế để doanh nghiệp chung tay cùng ngành điện để dịch chuyển sản xuất sang giờ thấp điểm.

Giảm tải áp lực cho khung giờ cao điểm

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, sau 10 năm vận hành, giờ cao điểm từ 9h - 11h đã chuyển sang từ 13h - 15h30 và thêm giờ cao điểm vào 21h - 23h.

Chính vì lý do này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong muốn các khách hàng sử dụng điện, cùng với tập đoàn xem xét những dây chuyền sản xuất, thành phần có thể dịch chuyển được giờ sản xuất để tránh giờ cao điểm, nhằm đảm bảo tốt hơn việc cung ứng điện.

Thông tin này được ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN nêu tại tọa đàm trực tuyến "Chia sẻ trách nhiệm cung ứng điện cao điểm mùa khô năm 2024", do báo VietNamNet phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc tổ chức ngày 8/4.

Ông Trần Minh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc nhiều lần khẳng định, chắc chắn nếu không có sự chung tay của khách hàng, của nhân dân, của doanh nghiệp, của chính quyền thì thực sự chúng tôi khó "qua ải nắng nóng năm nay".

"Việc chung tay hỗ trợ của các khách hàng, doanh nghiệp trong việc giảm tải trong các khung giờ cao điểm có vai trò rất to lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong hè 2024 nói riêng và giai đoạn 2024-2030 nói chung", ông Dũng nói.

Ngành Điện miền Bắc đang dùng nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2024

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói thêm, hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã và đang thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện phi thương mại, có nghĩa là khách hàng tham gia trên tinh thần hợp tác và tự nguyện là chính, đổi lại khách hàng được một số lợi ích như: được thông báo cấp điện trở lại sớm nhất trong trường hợp có sự cố mất điện; Được vào danh sách khách hàng ưu tiên đảm bảo điện; Được tri ân hàng năm; Được miễn phí nhân công bảo trì, bảo dưỡng MBA và các chăm sóc khách hàng khác (tùy theo điều kiện thực tế của Công ty Điện lực).

"Khó khăn lớn nhất khi làm việc và thu hút khách hàng thực hiện là hiện chưa có cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn đối với doanh nghiệp và người dân khi tham gia các chương trình tiết kiệm điện cũng như chưa có chế tài đối với các khách hàng sử dụng điện không chấp hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", ông Dũng nói và mong muốn cần có chính sách thu hút khách hàng cùng chung tay với ngành điện. 

Cơ sở đưa ra kiến nghị này, theo ông Dũng, trong trường hợp khách hàng dịch sang khung giờ giá cao sẽ phải mất thêm chi phí tiền điện, còn dịch sang khung giờ giá thấp ban đêm sẽ liên quan đến chi phí sản xuất khác bao gồm tiền điện, nhân công, ca kíp, chi phí làm thêm giờ... 

Địa phương đồng hành cùng ngành điện

Ông Đoàn Văn Mạnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu chia sẻ, trong năm 2023, vào những tháng nắng nóng, miền Bắc thiếu điện trên diện rộng, Bắc Giang là một trong những địa phương thiếu điện trầm trọng. Công ty Fuyu là doanh nghiệp sản xuất điện tử, nhu cầu cung cấp điện ổn định rất quan trọng. Nắm bắt tình hình thiếu nguồn của toàn bộ hệ thống được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, tuyên truyền của Công ty Điện lực Bắc Giang, công ty nắm rõ tình hình thiếu điện. Để san sẻ tình hình thiếu điện, công ty thực hiện một số chương trình giảm công suất điện.

Thứ nhất là công ty tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên thay thế bóng chiếu sáng.

Thứ hai, công ty dịch chuyển thời điểm sản xuất thời điểm nắng nóng sử dụng điện nhiều nhất sang ca đêm.

Thứ ba, công ty điều chỉnh nhiệt độ điều hoà tăng lên cao hơn so với bình thường.

Việc dịch chuyển sang khung giờ thấp điểm sẽ giảm áp lực cho những giờ cao điểm

Ngoài ra, thời điểm thiếu điện nghiêm trọng công ty vận hành 15 máy phát điện, mỗi máy 15 nghìn KVA, cung cấp một phần cho phụ tải. Năm 2024, dự báo thiếu điện công ty cũng mong muốn tập đoàn điện lực có những chính sách phương án để sử dụng điện tối ưu hơn, công ty cam kết thực hiện giảm thiểu sử dụng năng lượng vào thời điểm khó khăn.

Là tỉnh được đánh giá là "thủ phủ" công nghiệp của miền Bắc – nơi có nhiều doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn, ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã rất tích cực trong việc vận động doanh nghiệp tham gia vào điều chỉnh phụ tải. Đến nay, có khoảng 200 doanh nghiệp cam kết thực hiện, sản lượng dự kiến điều chỉnh khoảng trên 70 MW. 

Tuy nhiên, ông cũng cho biết đặc thù của Bắc Giang đa phần là doanh nghiệp sản xuất điện tử, sản xuất pin mặt trời. Do vậy, điều chỉnh phụ tải gặp rất nhiều khó khăn.

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, đích thân chủ tịch UBND đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, cả trực tuyến và trực tiếp, có làm việc với tất cả doanh nghiệp lớn, đề nghị doanh nghiệp phối hợp với ngành điện, để xây dựng chương trình phụ tải điện.

Thế nhưng, ông Hoàn cũng thừa nhận, chương trình này là tự nguyện, nên việc kêu gọi doanh nghiệp chung tay cũng còn nhiều hạn chế. Vì thế, ông đề xuất có cơ chế để chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp, có lợi cho cả doanh nghiệp, cả ngành điện, cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.

Link gốc


Theo EVN