Ngành Công Thương triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022

Thứ hai, 18/4/2022 | 08:41 GMT+7
Ngày 15/4, tại Đắk Lắk, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công Thương năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN và đại diện các tổng công ty phát điện, các công ty thủy điện trực thuộc EVN tham dự.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương, ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương, cùng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Năm 2022 sẽ có 4-6 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và các chuyên gia, trong năm 2022 sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có khoảng từ 4-6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ngoài ra, trong các tháng chuyển mùa đã có mưa bão bất thường, từ tháng 4-5 có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc. Nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành công thương là rất lớn.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt.

Đối với EVN, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Bộ Công Thương; chỉ đạo các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện trực thuộc rà soát, kiểm tra các công trình, gia cố các vị trí xung yếu đảm bảo an toàn cho công trình khi thiên tai xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng và tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời mọi sự cố xảy ra, cung cấp điện kịp thời, an toàn sau thiên tai. Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý xây dựng phương án, kế hoạch PCTT và TKCN của đơn vị; tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt.

Đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, Bộ Công Thương yêu cầu tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công trình; khắc phục kịp thời hư hỏng, khiếm khuyết (nếu có) để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ; rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho công trình, hạ du đập và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mọi tình huống.

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu tại hội nghị

EVN kiến nghị chặt tỉa cây dưới hành lang lưới điện

Tại hội nghị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trình bày một số khó khăn trong công tác PCTT và TKCN vẫn còn tồn tại như: lưới điện trung, hạ thế tại một số khu vực dân cư vẫn phải đi cùng với các tuyến đường có cây xanh, công tác chặt tỉa cây phụ thuộc nhiều vào kế hoạch của cơ quan quản lý địa phương và sự phối hợp của người dân. Khi mưa bão xảy ra, công tác dọn dẹp cây cối bị gẫy đổ, công trình bị hư hại để nhanh chóng khôi phục lại lưới điện còn gặp nhiều khó khăn, giao thông đi lại bị cản trở, các phương tiện chuyên dùng sửa chữa điện bị cấm tại một số tuyến phố.

Hay tại những đơn vị thủy điện, những năm gần đây, một số vùng hạ du đập thủy điện bị lấn chiếm xây dựng, canh tác hoặc đổ thải làm cản trở quá trình thoát lũ của các hồ chứa, gây nguy cơ mất an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân. Trong quá trình kiểm tra hạ du của một số hồ chứa, khu vực lòng sông có khả năng bị ngập lụt bởi xả lũ, xuất hiện các hộ dân canh tác, làm chuồng trại, nhà ở sát lòng sông; tuy nhiên chỉ có thể vận động và đề nghị chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động người dân. 

Một khó khăn khác của đơn vị quản lý hồ thủy điện là phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp khi thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt liên quan đến công tác xây dựng, phê duyệt bản đồ ngập lụt.

Ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La nêu những khó khăn trong phương án ứng phó tình huống khẩn cấp hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu

Trước những khó khăn trên, ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN kiến nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương xem xét, kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, phối hợp trong việc vận động người dân chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường dây trong đô thị; hỗ trợ, phối hợp tuyên truyền bảo vệ tài sản của ngành Điện, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão,...

EVN cũng kiến nghị UBND các tỉnh thực hiện thiết lập, quản lý hành lang thoát lũ của các hồ chứa và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đập theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, quản lý an toàn đập, hồ chứa.

nguồn https://www.evn.com.vn/