Ngành Điện minh bạch trong việc kiểm tra hóa đơn tiền điện của khách hàng

Thứ hai, 29/6/2020 | 05:36 GMT+7
Đây là đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam về công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị của khách hàng tại Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, ngày 29/6.

Ngày 29/6, đoàn công tác liên ngành gồm các đại diện của Cục Điều tiết Điện lực, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã kiểm tra công tác ghi chỉ số, lập hoá đơn tiền điện, giải quyết kiến nghị của khách hàng tại tại Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc. 

Đoàn công tác liên ngành làm việc tại Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc. 

Qua kiểm tra thực tế tại Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, một thành viên của đoàn công tác liên ngành khẳng định "tính minh bạch của ngành Điện rất cao". Danh sách những khách hàng có thắc mắc về hóa đơn tiền điện, lượng điện tiêu thụ được Công ty Điện lực thống kê chi tiết, có địa chỉ cụ thể. Đoàn công tác, kể cả các phóng viên/nhà báo muốn kiểm tra điểm nào đều được đáp ứng, chứ không phải kiểm tra khách hàng được ngành Điện "chuẩn bị". 

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, kể từ khi các trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN được thành lập, những khiếu nại về lĩnh vực điện lực của người tiêu dùng gửi đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã giảm đi rõ rệt. "Tôi cho rằng điều này là hợp lý, vì các nhân viên chăm sóc khách hàng ngành Điện có hiểu biết chuyên môn, nên sẽ trả lời thấu đáo những thắc mắc, kiến nghị của khách hàng" - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo ông Hà Văn Giảng (thôn 3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường), khi phát hiện hóa đơn tiền điện tháng 6/2020 tăng đột biến so với tháng trước, ông đã liên hệ với phía Điện lực để được tìm hiểu nguyên nhân. Ngay lập tức, Điện lực đã cử người xuống kiểm tra, đối chiếu và xác nhận việc ghi chỉ số công tơ có nhầm lẫn. "Sau khi phát hiện sai sót, Điện lực Vĩnh Tường đã lập lại hóa đơn và hoàn lại tiền cho tôi ngay. Gia đình tôi cũng không có thắc mắc gì thêm" - ông Hà Văn Giảng chia sẻ. 

Ông Hà Văn Giảng (thôn 3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường) trả lời báo chí về việc Điện lực tiếp nhận và xử lý ý kiến khách hàng. 

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, thời gian qua, đã xảy ra một số sai sót trong quá trình ghi chỉ số công tơ, cập nhật số liệu, phát hành hóa đơn tại một số công ty điện lực… Thời gian tới, để hạn chế tối đa các sai sót, song song với việc hiện đại hóa hệ thống điện, EVN sẽ tăng cường trách nhiệm của các vị trí quản lý. Cụ thể, từ kì hóa đơn tháng 7/2020, Tập đoàn yêu cầu 100% Công ty Điện lực tăng cường công tác giám sát khi chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng có biến động. Tùy theo mức độ biến động, Công ty Điện lực sẽ phân cấp cho các cấp quản lý giám sát, đối chiếu lại. 

Qua các bước kiểm tra, giám sát, đến bước lập hóa đơn, nếu vẫn thấy sản lượng tăng đột biến, các cấp quản lý cần kiểm tra, phúc tra lại lần nữa rồi mới phát hành hóa đơn, ông Võ Quang Lâm cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (bên trái) và ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN (bên phải) kiểm tra tại Trung tâm Thí nghiệm điện Vĩnh Phúc, Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc

Riêng tại Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, ông Lê Đức Thuận - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) cho biết, tổng số khách hàng của đơn vị quản lý đến cuối năm 2019 là 220.419 khách hàng. Trong đó, tỉ lệ công tơ điện tử và đo xa chiếm 51,09%.  

3 hình thức ghi chỉ số công tơ đang áp dụng tại Vĩnh Phúc gồm: Ghi chỉ số tự động bằng công nghệ RF (hoặc PLC) kết hợp DCU truyền dữ liệu về trụ sở điện lực thông qua mạng di động và internet (chiếm khoảng 26% số khách hàng); ghi chỉ số bán tự động qua HHU kết hợp RE hoặc bluetooth (chiếm khoảng 14%) và ghi chỉ số thủ công (sổ điện tử - máy tính bảng) chiếm khoảng 60%. 

Trong tháng 5/2020, PC Vĩnh Phúc có 21.348 khách hàng có sản lượng điện tăng 1,3 lần trở lên so với tháng 4/2020; trong tháng 6/2020 (tính đến 24/6) so với tháng 5/2020, con số này là 116.901 khách hàng.

Khách hàng đã lắp đặt công tơ điện tử đo xa có thể truy cập vào website http://pcvinhphuc.npc.com.vn để tra cứu chỉ số sản lượng điện sử dụng hàng ngày. Website này có tích hợp trên điện thoại di động. Với công tơ cơ, khách hàng có thể tra cứu hóa đơn tiền điện hằng tháng trên website của Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNNPC tại địa chỉ http://cskh.npc.com.vn.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thuận, từ đầu tháng 6/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp xảy ra nắng nóng cực đoan, kéo dài, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Công suất tiêu thụ cực đại (Pmax) toàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng 6/2020 đạt 613,04 MW (vẫn thấp hơn Pmax năm trước 5,58 MW, bởi các phụ tải sản xuất giảm do ảnh hưởng dịch COVID - 19). Tuy nhiên, lượng điện thương phẩm tháng 6/2020 toàn tỉnh ước đạt 305,47 triệu kWh, tăng 34,2% so với tháng 5/2020 và tăng 6,63% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó thành phần quản lý tiêu dùng (chiếm 33,84% sản lượng điện thương phẩm) tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 18,21% so với cùng kỳ năm 2019.


Theo EVN