Những ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội về sửa đổi Luật Điện lực

Chủ nhật, 1/12/2024 | 11:28 GMT+7
Từ các ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội cho thấy, việc sửa đổi Luật Điện lực rất cấp bách nhằm đảm bảo đủ điện cho phát triển.

Chiều 30/11, với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,65%), Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án, công trình điện lực, bảo đảm an ninh cung cấp điện, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về điện năng rất lớn và dự báo sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới.

Báo Công Thương xin tổng hợp lại các ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội trong các phiên họp tổ, thảo luận tại hội trường, hành lang Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), hay trong phiên chất vấn của Quốc hội, các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội...

Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực

Tổng Bí thư Tô Lâm: Vì sao phải có Luật Điện lực (sửa đổi)?

Phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội chiều 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu vấn đề “Vì sao lại phải có Luật Điện lực (sửa đổi) và chỉ rõ: “Yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng năng lượng là một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, điểm đột phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia".

Tổng Bí thư cho biết, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước mà còn đe dọa khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu tình trạng này không được khắc phục, nhà đầu tư sẽ rút lui, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Bên cạnh việc đáp ứng đủ năng lượng, Việt Nam cần chuyển hướng sang sản xuất điện sạch, nhất là khi đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nếu thiếu điện sạch, theo Tổng Bí thư “như thế này thì hàng hóa sản xuất chịu giá khác, chịu thuế khác, có đủ sức cạnh tranh đối với thế giới không"?

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển điện hạt nhân, thế giới người ta cũng đang làm như thế và “rất hoan nghênh các cơ quan vào cuộc ngay, khi Trung ương có ý kiến về chủ trương điện hạt nhân thì trong Luật Điện lực sửa đổi xuất hiện ngay”.

Kết thúc phiên thảo luận, Tổng Bí thư nêu rõ, thời gian không chờ đợi ai, chúng ta cần chủ động triển khai nhanh chóng, đồng bộ, song song với việc triển khai sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế

Báo cáo giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, về bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Đồng thời, đã đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đã ban hành cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối… Hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII.

Thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

"Đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện. Chính phủ đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý" - Thủ tướng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Phát triển điện lực bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) chiều 7/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính chất cấp bách, phát triển điện lực bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Đồng thời, xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển năng lượng

Luật Điện lực đã ban hành được 20 năm, có 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (trong đó lần sửa đổi gần nhất là tháng 9/2023) và đã giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Song lần này, đòi hỏi phải xem xét để sửa đổi một cách toàn diện, bởi lẽ Việt Nam đã hội nhập với thế giới, nên chúng ta phải có trách nhiệm nội luật hóa luật của mình để phù hợp, tương thích với điều ước, công ước quốc tế, tương thích với luật trong lĩnh vực năng lượng nói chung, đặc biệt là điện giữa Việt Nam với thế giới và khu vực.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mới về phát triển năng lượng, tuy nhiên trên thực tế chúng ta chưa thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách nêu trên của Đảng, mà mới ban hành các quy định dưới dạng Nghị định, thậm chí là Thông tư.

Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Đã đến lúc phải luật hóa, thể chế các chủ trương, chính sách của Đảng và luật hóa những quy định dưới luật về phát triển năng lượng mà chúng ta đã vận hành trong nhiều năm qua dưới hình thức Nghị định, Thông tư.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điện năng trong nước đang tăng khá mạnh; trong khi Việt Nam phải đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết với quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc nước ta phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới; chuyển đổi mạnh mẽ những nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch (trước hết là điện than). Từ đó đặt ra yêu cầu rất cao về hoàn thiện thể chế một cách đồng bộ, thông thoáng để có thể huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển ngành điện.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy: Chính phủ đã nghiên cứu và chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng

Việc sửa đổi Luật Điện lực là điều rất cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực để về đích các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ vào năm 2025. Việc giải quyết được vấn đề năng lượng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước; giải phóng, khơi thông các nguồn lực nhất là các nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy

Chính phủ đã nghiên cứu và chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Ban đầu có ý kiến cho rằng, lựa chọn một số chính sách, một số vấn đề vướng mắc rất cấp thiết để sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này, tương tự như Luật Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, sau xét thấy rằng nếu chỉ sửa một vài vấn đề thì không giải quyết được tổng thể vấn đề an ninh năng lượng, như đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo… đều là vấn đề rất mới, không chỉ với Việt Nam mà cả với thế giới như phát triển điện gió ngoài khơi, các hệ thống thiết bị để tích trữ năng lượng.

Hơn nữa, vấn đề an ninh năng lượng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả khu vực. Hiện đã có những sáng kiến về việc xây dựng hệ thống mạng lưới điện của các nước ASEAN, chứ không chỉ của mỗi quốc gia để có sự chia sẻ giữa nơi thừa và nơi thiếu… Do đó chúng ta phải hình thành khuôn khổ pháp lý để bảo đảm cho sự phát triển của ngành điện lực của mình.​

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi: Đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn

Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật lần này tập trung vào các nội dung: Quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư phát triển điện; chính sách giá điện; công tác vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đặc biệt quy định về phát triển điện gió ngoài khơi), năng lượng mới…

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã cắt giảm, đơn giản hóa 19 thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện lực và giao Chính phủ quy định chi tiết các thủ tục. Cùng với đó, dự thảo Luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quyết định chủ trương đầu tư phát triển điện nhằm bảo đảm tiến độ của các dự án phát triển điện, đáp ứng nhu cầu về điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi thông tin thêm về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Một nội dung được các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là chính sách về phát năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời. Chính phủ dự kiến sẽ xây dựng dự án luật riêng về năng lượng tái tạo. Song, trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, dự thảo Luật đã thiết kế một chương riêng về năng lượng tái tạo, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trên thực tế. Cùng với đó, do các quy định liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo như đàm phán giá điện, cam kết sản phẩm tối thiểu, giải phóng mặt để thực hiện dự án phát triển điện… được quy định trong nhiều luật khác nên cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - đoàn Hòa Bình: Mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh điện

Trong bối cảnh nhu cầu điện năng và công nghệ phát triển không ngừng, qua gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực năm 2004 đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi cần được sửa đổi để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8 đã bám sát vào các chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội. Luật Điện lực (sửa đổi) lần này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, vì điện năng là nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình 

Đặc biệt, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng tính bền vững.

Dự thảo Luật cũng mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất, phân phối và kinh doanh điện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia vào thị trường. Điều này tạo ra cạnh tranh, dẫn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm chi phí cho các doanh nghiệp sử dụng điện. Do đó, việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) lần này hết sức cần thiết và cấp bách cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai sắp tới.

Đại biểu Lê Quân - đoàn Hà Nội: Giải quyết được nhiều chính sách lớn, quan trọng

Việc xây dựng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) rất cần thiết, giải quyết được nhiều chính sách lớn, quan trọng. Chẳng hạn, chính sách liên quan đến quản lý nhà nước và vấn đề tách bạch giữa việc sản xuất và phân phối, qua đó giải quyết được nhiều nguồn lực xã hội tham gia và nhiều đối tượng xã hội tham gia vào.

Đại biểu Lê Quân - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Giải quyết được tốt “bài toán” này cũng giúp cho ngành điện có được sự minh bạch hơn, và giúp cho chúng ta thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn; đồng thời, giải quyết được nhiều vướng mắc mà các sơ đồ điện chúng ta chậm ra.

Bởi vì trong điện lực, có rất nhiều yếu tố chi phối, trong đó, là “bài toán” tham gia của đầu tư công, đầu tư tư, tiếp đó liên quan đến đặc thù các khu vực Tây Bắc, Tây Nam Bộ, hay miền Trung khác nhau, hay những nơi có khả năng cao về sản lượng hoặc những nơi có nhu cầu lớn về tiêu dùng…, đặc biệt trong những lĩnh vực mới. Với các chính sách được đưa ra, chúng tôi đánh giá Luật này đã được dự thảo tương đối tốt và chi tiết.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - đoàn Bình Dương: Đánh giá cao cơ quan soạn thảo

Tôi đánh giá cao cơ quan soạn thảo rất cầu thị tiếp thu ý kiến, phối hợp với cơ quan thẩm tra tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia, của đại biểu Quốc hội và gần sát kỳ họp, 2 cơ quan vẫn còn tổ chức những hội thảo để tiếp tục lấy ý kiến. Đây là một tinh thần rất đáng hoan nghênh.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đồng thời, tôi thống nhất nội dung của Tờ trình số 520 của Chính phủ ngày 25/9 về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực dựa vào cả cơ sở chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 55 của Trung ương, các cơ sở pháp lý như Nghị quyết 16 của Quốc hội khóa XV và các cơ sở thực tiễn.

Hiện nay, ngành điện ngày một phát triển nhưng cũng còn những vấn đề cần phải tháo gỡ. Chẳng hạn như Quy hoạch điện VIII ra đời, kế hoạch thực hiện quy hoạch đã có nhưng vẫn còn vướng những rào cản, trong khi đó, nhu cầu tăng trưởng ngày càng cao. Khi chúng ta xác định bước vào kỷ nguyên vươn mình, thì GDP tăng trưởng bình quân phải tối thiểu phải 7% một năm, nghĩa là tăng trưởng về điện, nhu cầu về điện sẽ phải từ 11-12% một năm, trong khi những chính sách của chúng ta chưa được tháo gỡ như hiện nay thì cũng rất vướng cho ngành điện nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - đoàn Sóc Trăng: Phù hợp với thực tiễn có ý nghĩa vô cùng quan trọng

Trên cơ sở đánh giá, tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian qua, việc trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn, phù hợp với thực tiễn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - đoàn Sóc Trăng

Các tài liệu được công bố, lộ trình ngắn - trung hạn, cần phải tăng tổng nguồn cung điện 10-15%/năm mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của toàn nền kinh tế quốc gia, và trong dài hạn là phải theo lộ trình hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26.

Qua quá trình nghiên cứu các văn bản được trình tại kỳ họp này, về chính sách phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới và phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, tôi rất đồng tình ủng hộ các chính sách cụ thể để phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay và xu hướng của thế giới.

Để hướng đến giảm phát thải, Net Zero, thúc đẩy khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta đã có nhiều cơ chế và đã đạt được nhiều thành quả (tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện tăng cao). Song để duy trì sự ổn định và nâng cao hơn nữa các nguồn điện sạch cần xem xét xây dựng các trung tâm/dự án lưu trữ năng lượng quốc gia ở những nơi có tiềm năng về năng lượng (sử dụng pin lưu trữ điện); sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các dự án thủy điện tích năng đang đầu tư xây dựng, hay các dự án khác đã có trong kế hoạch điện VIII.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - đoàn Bến Tre: Phát triển bền vững ngành điện là điều kiện cần thiết thu hút đầu tư

Các quy định trong dự thảo luật sẽ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Thời gian qua, mặc dù khá thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng cơ chế, chính sách, thủ tục, quy trình vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện lực sẽ gỡ nút thắt; đồng thời hướng tới thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Qua thảo luận tại tổ, các ý kiến đều bày tỏ ủng hộ và đồng thuận cao với các chính sách liên quan đến đầu tư cho ngành điện, nhất là năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tỉnh Bến Tre cũng có nhiều dự án về năng lượng tái tạo, hiện đã triển khai được 1/3 danh mục dự án trong Quy hoạch điện VIII, từng bước phát huy hiệu quả kinh tế, rất cao. Trong đó, đã cung cấp thêm điện cho điện lưới quốc gia và có thêm nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Từ thực tế tại Bến Tre cho thấy, điện đóng vai trò quan trọng, là động lực phát triển, nhất là trong hoạt động nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Với gần 5.000 hecta nuôi tôm công nghệ cao, nếu không có điện, sản lượng tôm thu hoạch sẽ không đạt như kỳ vọng. Phát triển bền vững ngành điện là điều kiện cần thiết thu hút các nhà đầu tư, do đó cần sớm tháo gỡ nút thắt của ngành điện nhằm huy động thêm nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế khác.

Đại biểu Tạ Thị Yên - đoàn Điện Biên: Phát triển điện lực phải “đi trước một bước”

Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã rất tích cực, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Với tinh thần đầu tư cho phát triển điện lực phải “đi trước một bước” trong phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện thể chế về phát triển điện lực là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở để phát triển mọi lĩnh vực, ngành kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân.

Từ góc độ là đại biểu của tỉnh Điện Biên, vùng miền núi cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tôi thống nhất cao với nội dung dự thảo Tờ trình của Chính phủ khi đánh giá về tình hình đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay còn rất nhiều thôn (bản), một số đảo, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn chưa được sử dụng điện hoặc có điện nhưng không bảo đảm an toàn, những khu vực này đều có suất đầu tư rất cao, nhưng không có hiệu quả về kinh tế - tài chính.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cấp điện là một thách thức rất lớn nên tôi hoàn toàn đồng tình với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhất là những quy định về ưu tiên phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Các quy định về phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong dự thảo Luật đã khá rõ ràng, từ việc yêu cầu bảo đảm cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ các nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh; quy định các tổ chức, cá nhân được sử dụng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước, vốn tự có để đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định rất cụ thể hỗ trợ đầu tư đường dây dẫn điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng điện cho các đối tượng như: Hộ nghèo ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hộ gia đình có người dân tộc thiểu số cư trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Tôi cũng ủng hộ các chính sách cụ thể được thể hiện trong dự thảo Luật như: Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển nguồn, lưới điện cấp điện sinh hoạt, sản xuất cho các hộ dân; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng nguồn, lưới điện, kinh doanh cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025, gồm 9 Chương, 81 Điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.

Link gốc


Theo EVN