PTC 1: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành đường dây truyền tải

Thứ năm, 13/4/2023 | 04:38 GMT+7
Xác định ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ số vừa là nhiệm vụ vừa là xu hướng tất yếu, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã và đang ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới vào công tác quản lý, vận hành đường dây, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và giảm thiểu những nguy cơ rủi ro cho người lao động.

 

Đến nay, 100% đội truyền tải điện thuộc PTC 1 đã ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) vào công tác quản lý vận hành đường đây; ứng dụng các phần mềm dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào công tác sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp…. Qua đó, góp phần phát hiện nhanh các sự cố, nâng cao năng suất lao động.

Tại Đội Truyền tải điện Phù Yên (Truyền tải điện Tây Bắc), các đường dây do đội quản lý thuộc địa phận các huyện Bắc Yên, huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), với đặc thù đa số đường dây đi qua khu vực đồi núi cao, rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng tái sinh và nương rẫy trồng cây nông nghiệp. Không chỉ có vậy, địa hình đồi núi cao, sườn dốc, nguy cơ xảy ra sạt lở nhiều vào mùa mưa, nên việc quản lý vận hành đường dây gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Thiết bị bay không người lái UAV đang được ứng dụng rộng rãi tại PTC 1, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, vận hành đường dây truyền tải

Trước đây, mọi việc quản lý vận hành đường dây đều thực hiện bằng thủ công. CBCNV của Đội Truyền tải điện Phù Yên phải trực tiếp vượt qua đồi, qua suối, trèo lên cột cao hàng chục mét để kiểm tra các thiết bị. Tuy nhiên, hiện nay, Đội Truyền tải điện Phù Yên đã ứng dụng toàn diện UAV vào công tác quản lý vận hành các đường dây như: 500kV Sơn La - Việt Trì, Hiệp Hòa; 220kV Suối Sập 2A - Sơn La; 220kV Việt Trì - Suối Sập 2A; trong đó, đội đã triển khai áp dụng lập trình bay tự động được khoảng 30% trên tổng số cung đoạn quản lý.

Cũng theo Đội Truyền tải điện Phù Yên, việc đưa thiết bị bay UAV vào công tác quản lý, vận hành đã góp phần tạo thuận lợi cho CBCNV trong công tác kiểm tra định kỳ lưới điện truyền tải. Cụ thể, với khu vực trung du, ruộng lúa, hành lang tuyến không có cây trong, ngoài hành lang, cây chống cháy, có thể kiểm tra định kỳ hoàn toàn bằng UAV. Với khu vực đồi núi, nhiều cây trong và ngoài hành lang, Đội Truyền tải điện Phù Yên phải kết hợp hai phương pháp vừa ứng dụng công nghệ, vừa kiểm tra theo cách truyền thống.

Bên cạnh thiết bị UAV, PTC 1 cũng ứng dụng các phần mềm phục vụ các công tác như kiểm tra định kỳ ngày, đo thông số đường dây, công tác sửa chữa bảo dưỡng, kiểm tra thông số đường dây phục vụ công tác soi phát nhiệt, dẫn đường tới các vị trí cột, truy xuất dữ liệu của từng vị trí. Các tính năng được tích hợp trên phần mềm đã giúp cho công tác kiểm tra, kiểm soát tồn tại trên đường dây được nhanh chóng, dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, phần mềm cũng thống kê chi tiết các tồn tại, giúp bộ phận quản lý xây dựng kế hoạch để xử lý mà không cần phải rà soát tỉ mỉ từng phiếu kiểm tra định kỳ bằng giấy, giảm thời gian trong công tác viết phiếu và kiểm tra kết quả ghi trên phiếu, tăng năng suất lao động…

Ông Nguyễn Phúc An – Giám đốc PTC 1 cho biết, PTC 1 xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác vận hành đường dây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh ngành Điện nói chung, EVNNPT nói riêng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, vận hành đường dây đã giúp công ty từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý vận hành, tăng năng suất lao động, giảm thiểu những nguy cơ rủi ro cho người lao động khi phải trèo cao ra dây kiểm tra trực tiếp.

Cũng theo ông Nguyễn Phúc An, để thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, PTC 1 sẽ tiếp tục quán triệt và tăng cường nhận thức cho cán bộ công nhân viên trong việc chủ động chuyển đổi kịp thời cách thức làm việc phù hợp với công nghệ mới. Đặc biệt, PTC 1 sẽ chủ động xây dựng lượng nòng cốt tại các truyền tải điện khu vực để chuyển giao các công nghệ mới và triển khai đào tạo nội bộ, nhằm tạo sự đột phá trong công tác quản lý vận hành với tiêu chí, vận hành an toàn, truyền tải liên tục.

 

 


Theo EVN