Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức

Thứ năm, 18/6/2020 | 04:31 GMT+7
Đây là chủ đề của Diễn đàn năng lượng Việt Nam năm 2020, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 16/8, tại Hà Nội. Nhiều ý kiến tại diễn đàn cho rằng, Việt Nam cần phải sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thị trường năng lượng tái tạo (NLTT) phát triển hiệu quả trong thời gian tới.

Còn đó những thách thức

Khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: Những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5-9,5%/năm. Để đáp ứng nhu cầu trên, Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 -7.000 MW/năm, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đã khai thác hết. 

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2025 là hiện hữu. Nguyên nhân là nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ; việc cấp than, khí cho phát điện đang gặp nhiều khó khăn; nhu cầu nhập nhiên liệu sơ cấp (than, LNG) trong giai đoạn 2020 - 2025 tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, sự mất cân đối nguồn điện giữa càng vùng/miền cũng gây áp lực lên lưới điện truyền tải, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện,…

Trước bối cảnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng tái tạo (NLTT) đối với nền kinh tế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chú trọng phát triển năng lượng NLTT.

Đặc biệt, gần đây nhất, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia. Trong đó, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. 

Hiện nay, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện những chỉ đạo tại Nghị quyết 55 thông qua quy hoạch phát triển ngành Điện, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc diễn đàn

Theo ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), với những chính sách về phát triển NLTT, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về loại hình nguồn điện này trong vòng một năm trở lại đây. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh lại gây ra một số thách thức như: Nguồn NLTT phát triển nóng và tập trung tại một số địa phương, ảnh hưởng tới việc giải tỏa công suất; điều độ, vận hành hệ thống điện. 

Bên cạnh đó, việc phát triển NLTT quy mô lớn còn hạn chế như: Chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn; chính sách phát triển NLTT không được áp dụng trong thời gian dài; chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển NLTT thông qua cơ chế đấu thầu; chưa có nghiên cứu tổng thể phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam...

Khẳng định nguồn NLTT góp phần quan trọng trong việc cung cấp điện, tuy nhiên, ông Dũng cũng cho hay, NLTT chưa thay thế được các nguồn điện truyền thống. "1000MW năng lượng tái tạo chỉ thay thế được khoảng 300 - 350MW nhiệt điện điện than, khí", ông Dũng chia sẻ.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết Tập đoàn đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy mô hình điện mặt trời mái nhà

Cần sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời mái nhà

  Tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, do nước về các hồ thủy điện kém, nên sản lượng điện than vẫn chiếm 59 - 60% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, phát triển NLTT vừa giảm áp lực đầu tư nguồn điện cho ngành Điện, vừa tăng thêm độ khả dụng cho hệ thống, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn điện đang còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn NLTT đang chiếm khoảng 10% tổng công suất toàn hệ thống, nhưng sản lượng điện tạo ra chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (dưới 3%) trong tổng sản lượng điện sản suất.

Ông Võ Quang Lâm cho biết thêm, thời gian qua, Việt Nam cũng đã có sự phát triển mạnh của mô hình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Tính đến 31/5/2020, cả nước đã có khoảng 37.000 khách hàng lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất 653MW. Đây là mô hình mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ đầu tư. Với hộ gia đình, ĐMTMN sẽ góp phần giảm được số điện sử dụng ở bậc thang giá cao. Còn với các doanh nghiệp, ĐMTMN góp phần giảm được số điện phải sử dụng trong giờ cao điểm ngày. Từ đó, tiết giảm hiệu quả chi phí tiền điện hàng tháng. Ngoài ra, phần sản lượng điện mặt trời dư thừa, chủ đầu tư có thể bán lại cho ngành Điện.

“Chúng tôi kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm 500 - 1.000MW điện mặt trời mái nhà được lắp đặt", ông Võ Quang Lâm chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Võ Quang Lâm, Việt Nam đang thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật cho ĐMTMN. Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống lưới điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công Thương và Tổ chức GIZ để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho mô hình này.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện các địa phương cũng đã nêu lên những vướng mắc, rào cản trong phát triển NLTT, cũng như đưa ra các kiến nghị, giải pháp gỡ khó để phát triển hiệu quả nguồn điện này trong thời gian tới. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, những đề xuất, kiến nghị được nêu tại diễn đàn sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu và sớm đề xuất, tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ các "điểm nghẽn".


Theo EVN