Phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định 51 của Chính phủ

Thứ hai, 25/5/2020 | 04:07 GMT+7
Ngày 25/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định 51/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.

Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) giải đáp những ý kiến của các đơn vị về Nghị định 51

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương), ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN. Các đầu cầu là lãnh đạo các Ban QLDA, các tổng công ty thuộc EVN, các sở Công Thương.

Ông Phạm Trọng Thực đánh giá cao EVN, đây là đơn vị đầu tiên thực hiện phổ biến kiến thức về Nghị định 51 của Chính phủ để thực hiện đầu tư xây dựng câc dự án không bị vướng mắc. Ông Phạm Trọng Thực cũng đã giải đáp chi tiết những ý kiến của các đơn vị, chủ yếu về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải, phân phối.

Tại Nghị định 51/2020/NĐ-CP có sửa đổi một nội dung quan trọng, đang khó khăn vướng mắc đối với các đơn vị thuộc EVN là về bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Cụ thể, nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và thuộc khu vực có cường độ điện trường lớn hơn quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ để di dời như đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải giải tỏa theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn và giữa hai đường dây dẫn điện trên không điện áp 500kV, có khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai dây dẫn pha ngoài cùng gần nhất của hai đường dây nhỏ hơn hoặc bằng 60m thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được lựa chọn một trong hai hình thức xử lý sau:

- Được bồi thường, hỗ trợ để di dời như như đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải giải tỏa theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

- Nếu không có nhu cầu di dời thì phải có văn bản đề nghị được ở lại gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền để đầu tư xây dựng đường dây 500kV xây dựng sau và được bồi thường đất, nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt theo quy định tại điểm a khoản 12 Điều 1 Nghị định này. 


Theo EVN