Quan điểm của Lênin về chủ nghĩa quan liêu và đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu

Thứ tư, 22/4/2020 | 08:00 GMT+7
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I. Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020), evn.com.vn xin giới thiệu tới độc giả bài viết “Quan điểm của Lênin về chủ nghĩa quan liêu và đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu” của PGS.TS. Lê Văn Yên (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật).

V.I. Lênin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Nguồn ảnh: TTXVN

Chủ nghĩa quan liêu là căn bệnh nguy hiểm, khá phổ biến trong cán bộ, đảng viên và trong các tổ chức Đảng và Nhà nước. Căn bệnh này chẳng những làm xói mòn phẩm chất đạo đức và phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, mà còn gây tác hại nhiều mặt đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lênin là người phát hiện sớm và coi căn bệnh này là kẻ thù nguy hiểm, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo Lênin, chủ nghĩa quan liêu là đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích cá nhân, hết sức chú trọng đến địa vị mà không đếm xỉa đến công tác. Biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa quan liêu là bệnh hành chính, sự vụ, bệnh giấy tờ, tệ lười nhác; tác phong lề mề, xử lý công việc vụng về, thói ba hoa, khoác lác và trả lời các vấn đề qua loa, đại khái; là tính vô nguyên tắc, tự do vô kỷ luật, kiêu ngạo, hống hách; là chỉ đạo và thực thi công việc tắc trách, xa thực tế, xa rời quần chúng, là chủ nghĩa cá nhân.

Trong cán bộ, đảng viên, chủ nghĩa quan liêu biểu hiện rõ nhất ở tính bản vị, cục bộ, tính kiêu căng, lối làm việc chậm chạp, giải quyết công việc lộn xộn; thiếu năng lực chuyên môn, thiếu lý luận, thiếu kiến thức thực tiễn; ngại khó khăn, gian khổ, lười học tập, không chịu tiếp thu cái mới, không chịu rèn luyện; suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan… Lênin gọi những biểu hiện này là “tật bệnh”, là “kẻ thù thứ nhất” đối với cán bộ, đảng viên.

Trong tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước, chủ nghĩa quan liêu biểu hiện rõ ở mặt tổ chức. Đó là việc bố trí, sắp xếp tùy tiện, phân tán, làm cho bộ máy cồng kềnh. Tất cả lại thiếu kiểm tra, đôn đốc nên hoạt động của tổ chức kém hiệu lực. Đó còn là bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ không đúng vị trí, chức năng, không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực, làm cho năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác thấp. Một biểu hiện khá điển hình mà Lênin phê phán kịch liệt là việc xây dựng kế hoạch viển vông, không căn cứ vào điều kiện thực tế nên vach ra kế hoach rỗng tuếch hoặc nặn ra các dự thảo và khẩu hiêu chung chung, duy ý chí.

Về tác hại của chủ nghĩa quan liêu, Lênin khẳng định: “Đó là kẻ thù bên trong tệ hại nhất của chúng ta”, là “trở lực lớn” thực hiện những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Người còn chỉ ra rằng, nó là “bạn đường” của tính tự phát tiểu tư sản, của xu hướng vô chính phủ, của tàn dư chế độ cũ. Nó kéo sự nghiệp của Đảng và dân tộc “đi thụt lùi”. Thực chất là nó phá tan Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý, chủ nghĩa quan liêu là “nguồn gốc” của mọi sai lầm từ nhỏ đến lớn, của những hành vi tùy tiện, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, cục bộ, bản vị, hống hách, bất chấp nguyên tắc, pháp luật, v.v.. Nó “gậm nhấm” dần bộ máy Đảng và Nhà nước, nó “phá vỡ” dần mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Người còn nhấn mạnh: “Những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”.

Chủ nghĩa quan liêu còn là “đầu mối” của mọi sự bất đồng, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước. Tác hại này được Lênin phân tích rõ: Trong một nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội thì một sự chia rẽ trong nội bộ giai cấp công nhân, hoặc giữa Đảng với quần chúng không phải chỉ là nguy hiểm mà còn là cực kỳ nguy hiểm.

Tóm lại, chủ nghĩa quan liêu, theo Lênin là “vấn đề đau đớn”. Nó không phải chỉ là sai lầm về tác phong, phương pháp công tác, mà còn là “kẻ thù bên trong nguy hiểm nhất”, có quan hệ trước hết và chủ yếu đến lập trường, quan điểm và đạo đức, bản chất cách mạng của Đảng cầm quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên. Nó làm thoái hóa đội ngũ cán bộ của Đảng, nó có thể dẫn Đảng cầm quyền tới nguy cơ tan rã, dẫn chế độ xã hội chủ nghĩa tới nguy cơ sụp đổ. Bài học đau đớn dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu những năm đầu thập kỷ 90 vừa qua trong đó có nguyên nhân của chủ nghĩa quan liêu.

V.I. Lênin diễn thuyết trước các chiến sĩ cách mạng Hồng vệ binh tại Quảng trường đỏ Mátxcơva trong Cách mạng tháng Mười Nga. Nguồn ảnh: dangcongsan.vn
 

Đề cập đến các biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu, Lênin đã để lại cho chúng ta nhiều chỉ dẫn quý báu. Có thể tóm tắt số biện pháp chủ yếu sau:

Về mặt nhận thức, phải coi chống chủ nghĩa quan liêu là “nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của giai đoạn cách mạng” quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, là tuyệt đối cần thiết và cũng phức tạp như cuộc đấu tranh chống xu thế tự phát tiểu tư sản, tư sản.

Về mặt hành động, phải đấu tranh kiên quyết, kiên trì, không nản chí và phải có nhiều biện pháp và tổ chức lành mạnh, thích hợp trong từng thời kỳ.

Thực hành và mở rộng dân chủ, phát triển dân chủ đến cùng bằng cách tạo ra những tiền đề và điều kiện thuận lợi nhất với những hình thức phong phú để động viên mọi người thực sự tham gia việc quản lý và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên từ dưới lên và từ trên xuống đối với các hoạt động của các tổ chức, cơ quan Nhà nước và cơ quan Đảng, đặc biệt là sự kiểm tra của quần chúng từ dưới lên.

Cải tiến tổ chức, giảm nhẹ biên chế, đổi mới công tác cán bộ, đổi mới và thu hẹp bộ máy. Đây là biện pháp rất quan trọng mà Lênin yêu cầu các cơ quan Đảng, Nhà nước phải làm cho được.

Kiên trì tuyên truyền, giáo dục, động viên, tổ chức đoàn kết rộng lớn trong nhân dân, nâng cao trình độ văn hóa, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, kỷ luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đi sâu vào thực tiễn, tìm hiểu và đề xuất những biện pháp thực tiễn. Theo Lênin, thực tiễn đó là xây dựng kinh tế, tổ chức tốt quản lý xã hội, chăm lo đời sống người lao động, phát triển sự trao đổi giữa các địa phương, vùng miền, sử dụng tốt đội ngũ chuyên gia nước ngoài cho phát triển kinh tế…

Đối với những cá nhân, cơ quan, tổ chức mắc bệnh quan liêu phải tự giác nhận ra khuyết điểm và phải kiên quyết sửa chữa. Nếú không sửa chữa, Người yêu cầu đưa tin ngay lên đài, lên báo, cách chức, xử phạt đúng với mức độ sai phạm.

Cuối cùng, Lênin còn căn dặn khi tiến hành các biện pháp trên phải thật mạnh dạn, một thứ mạnh dạn cần thiết để tạo ra những điều kiện thuận lợi cho đông đảo quần chúng tham gia, cho cán bộ, đảng viên phát huy năng lực sáng tạo trong đấu tranh. Người kết luận: “Muốn tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội có kết quả, thì cần thiết và cấp bách phải tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu”.


Theo EVN