Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: '5 năm nữa với đà tăng trưởng này, với khả năng phát triển nguồn của chúng ta, chúng ta không thiếu điện'

Thứ năm, 7/1/2021 | 03:27 GMT+7
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương diễn ra sáng nay (07/01), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nhiều kết quả đạt được của ngành Công Thương, trong đó có đóng góp của ngành Điện.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và áp lực rất lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, song Việt Nam vẫn là quốc gia duy trì được tăng trưởng dương, thực hiện thành công ”mục tiêu kép”, vừa phòng chống đại dịch COVID-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.

Trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành Công Thương. Với sự quyết tâm cao trong thực hiện đổi mới toàn diện trên nhiều mặt, sự nỗ lực trong việc ứng phó với những khó khăn thách thức của Lãnh đạo các cấp và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương, có thể đánh giá rằng ngành Công Thương đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác đã đề ra và đạt được những kết quả, thành tích rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo dấu ấn nổi bật trong năm 2020.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương những kết quả to lớn và rất có ý nghĩa mà Ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Nguồn ảnh: baocongthuong.com.vn

Thủ tướng Chính phủ điểm lại 8 kết quả lớn, nổi bật của ngành Công Thương trong năm vừa qua, từ công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế và tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tiếp tục được thực hiện tốt; Sản xuất công nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; Xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19; Trong công tác bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, hàng hóa phòng chống dịch cho thị trường kể cả khi nhu cầu tăng cao trong giai đoạn cả nước tập trung chống dịch thực hiện giãn cách xã hội và trong các thời điểm xảy ra thiên tai lũ lụt, đã tạo được niềm tin, sự an tâm của người dân đối với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường…

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc ngành Điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, cho người dân và doanh nghiệp, đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện.

Thủ tướng nhấn mạnh: “5 năm nữa với đà tăng trưởng này, với khả năng phát triển nguồn của chúng ta, chúng ta không thiếu điện”.

Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của ngành Điện trong công tác đưa điện về nông thôn, miền núi hải đảo được chú trọng. Năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển.

Năm 2020, ngành Dầu khí cũng đã hoàn thành, đưa cụm công trình Dự án Phát triển mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt bằng Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (có dòng khí đầu tiên vào ngày 16/11/2020). Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí; 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể có ngân sách nhà nước và nền kinh tế, bổ sung nguồn khí tự nhiên cho khu vực Đông Nam Bộ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia ngành, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với tổng sản lượng khai thác quy dầu dự kiến cả năm đạt 20,5 triệu tấn, vượt 0,7% kế hoạch năm (kế hoạch cả năm là đạt 10 - 15 triệu tấn).

Ngành Than cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát là xây dựng, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; cơ bản hoàn thành các mục tiêu quy hoạch, kế hoạch đề ra.

Về nhiệm vụ năm 2021 và trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương nói chung, ngành Điện nói riêng cần tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong thời gian tới theo hướng bền vững, trong đó quán triệt tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ. Đồng thời, hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến 2045 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; Quy hoạch năng lượng quốc gia... đảm bảo tính liên tục, đồng bộ với mục tiêu đạt hiệu quả chung và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

 


Theo EVN