Tình hình cung cấp than năm 2022 và kế hoạch năm 2023: Trăn trở nhiên liệu cho phát điện

Thứ bảy, 17/12/2022 | 12:02 GMT+7
Ngày 16/12, tại Hà Nội, ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và ông Lê Quang Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) đã có buổi trao đổi về tình hình cung cấp than năm 2022, và kế hoạch cấp than cho phát điện trong năm tới.

Lượng than tồn kho cuối 2022 thấp

Báo cáo tại cuộc họp, Ban Kỹ thuật sản xuất EVN cho biết, trong 11 tháng, tổng khối lượng than Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản đã cấp cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVN là 15,64 triệu tấn, bằng 98,4% tổng khối lượng hợp đồng.

Nhìn chung trong 11 tháng năm 2022, TKV đã cấp cơ bản đủ khối lượng than theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, khối lượng than cung cấp các tháng cuối năm có xu hướng giảm dần, không đạt được theo kế hoạch cấp than theo hợp đồng. Bắt đầu từ quý 3 năm nay, TKV đã dừng cấp than trong nước, không còn khả năng đáp ứng theo hợp đồng. Trong quý 4, khả năng cấp than của TKV đã bị giảm và tiếp tục cấp hoàn toàn than pha trộn nhập khẩu.

Dự kiến tháng 12, TKV cấp 1,27 triệu tấn than, chỉ đạt 84,02% hợp đồng. Tính cả năm 2022, TKV sẽ cấp được 16,91 triệu tấn, bằng 97,1% hợp đồng cả năm.

EVN và TKV làm việc về tình hình cung cấp than, ngày 16/12

Do nhu cầu huy động nhiệt điện than trong các tháng cuối năm cao, trong khi lượng than cấp giảm nên dẫn tới tình trạng, mức than tồn kho của một số nhà máy nhiệt điện như: NMNĐ Thái Bình 1, Nghi Sơn 1, Hải Phòng, Vĩnh Tân 2 đã giảm thấp hơn so với định mức, có nhà máy đã phải dừng 1 tổ máy phát điện.

Theo thông báo của TKV, trong tháng 12 khả năng cấp than của TKV tiếp tục thấp hơn nhu cầu của các NMNĐ. Dự kiến, lượng than tồn kho của TKV cuối năm 2022 chỉ còn khoảng 1,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, mức than tồn kho thấp tại TKV và tại các NMNĐ là tình trạng đáng lo, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng huy động phát điện của các nhà máy, đặc biệt là trong dịp Tết sắp đến và nhu cầu cao trong 6 tháng đầu năm 2023.

Nguồn than 2023: Trăn trở số lượng và chất lượng

Theo tính toán về khả năng cấp than cho điện trong năm 2023 của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản và Tổng công ty Đông Bắc, tổng khối lượng than cho điện năm tới là 45,89 triệu tấn. Riêng đối với các NMNĐ của EVN, khối lượng than dự kiến cấp trong năm 2023 là 17,98 triệu tấn, thấp hơn hợp đồng than dài hạn khoảng 1,5 triệu tấn.

Trên cơ sở đó, EVN đã xây dựng kế hoạch sản xuất điện năm 2023 cho các nhà máy điện, tuy nhiên các nhà máy dự kiến sẽ huy động phát điện ở mức thấp. Theo đánh giá của Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, có nhiều thách thức trong việc cấp than cho điện trong năm 2023 do khả năng sản xuất than trong nước của TKV ngày càng suy giảm, trong khi nhu cầu nhiên liệu của các NMNĐ ngày càng tăng.

Bên cạnh đó là yếu tố về chủng loại than. Năm 2023, TKV cấp cho các nhà máy của EVN dự kiến hoàn toàn là than pha trộn. Qua kinh nghiệm thực tế vận hành của các nhà máy, nguồn than pha trộn sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận hành ổn định, kinh tế của các NMNĐ, dễ gây nguy cơ tăng các sự cố, làm giảm khả dụng của các nhà máy điện, ảnh hưởng rất lớn đến cung cấp điện trong thời điểm có nhu cầu huy động cao trong mùa khô năm 2023.

Cảng nhập than Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh)

EVN đề nghị, TKV ưu tiên cung cấp than cho phát điện trong mọi trường hợp; đồng thời, có các giải pháp để tăng khai thác than sản xuất trong nước trước mắt và trong dài hạn. Đảm bảo cấp than liên tục, ổn định cho các nhà máy nhiệt điện trong thời gian nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, tăng sản lượng than cấp cho các nhà máy ngay trong các tháng đầu năm 2023.

Đặc biệt, đề nghị TKV phối hợp với các nhà máy điện để cấp các chủng loại than có các chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng với nhu cầu thực tế của từng nhà máy nhiệt điện.

Tại buổi làm việc, các Ban chuyên môn TKV cho biết, một số nguyên nhân tác động đến hoạt động SXKD và cấp than cho điện: TKV gặp khó khăn gia tăng sản lượng than (giới hạn các giấy phép khai thác); Nhu cầu than cho phát triển kinh tế trong nước cao, trong khi giá than nhập khẩu liên tục tăng cao ở mức kỷ lục gây áp lực rất lớn.

Phó Tổng giám đốc TKV Lê Quang Dũng khẳng định, TKV sẽ tăng cường phối hợp với EVN để triển khai việc cấp than cho các NMNĐ, theo đó, các Ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc 2 tập đoàn sẽ tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên để tăng hiệu quả công việc. Đối với chất lượng than, một số yếu tố như hàm lượng độ ẩm bị ảnh hưởng do thời tiết mưa nhiều, bãi than ngoài trời; các yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng từ quá trình nghiền than… TKV sẽ tích cực khắc phục các yếu tố chủ quan, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật theo hợp đồng cung cấp than.

TKV và EVN sẽ tích cực phối hợp, vì mục tiêu chung phát triển bền vững của ngành năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.


Theo EVN