Ứng phó bão CONSON, Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị các địa phương phối hợp chặt tỉa cây đảm bảo an toàn lưới điện

Thứ tư, 8/9/2021 | 12:00 GMT+7
Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão CONSON sáng 8/9, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh điện là hạ tầng rất quan trọng để phục vụ công tác chỉ huy, điều hành phòng chống thiên tai và phòng chống dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện là việc phải ưu tiên triển khai ngay sau cuộc họp.

  • Đăng nhập và xem Sổ tay hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 của EVN tại đây.

Ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp. 

Tham dự có đại diện các Bộ, ngành, địa phương. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Phạm Hồng Long - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Trưởng ban An toàn EVN.

EVN chủ động ứng phó

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, đêm 8/9, bão CONSON sẽ vào biển Đông trở thành cơn bão số 5. Dự báo, bão CONSON đạt cấp 11 (100-120km/h) khi đi qua quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) và hướng vào khu vực đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Để ứng phó với bão CONSON, sáng 8/9, EVN đã có công điện yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Hiện tại, tất cả các hồ chứa thủy điện do EVN quản lý khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão CONSON đều dưới mực nước cho phép. Trong thời gian qua cũng không có lũ nên hiện mực nước các hồ chứa đang thấp, có dung tích phòng lũ cao. Các nhà máy đang thực hiện theo đúng quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ chứa.

 

Ngoài cơn bão CONSON còn có một cơn bão khác tên Chanthu đang hoạt động ở phía ngoài, có thể mạnh lên cấp siêu bão. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam

Đối với lưới điện, các đơn vị thuộc EVN tiếp tục xử lý các tồn tại, gia cố điểm xung yếu. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”. Nếu thiên tai gây sự cố mất điện, nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn và ưu tiên các phụ tải quan trọng, các phụ tải đảm bảo điện phòng chống dịch COVID-19, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Điện lực là hạ tầng rất quan trọng trong phòng chống thiên tai và dịch bệnh

Trước kiến nghị của đại diện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc các địa phương hỗ trợ, phối hợp vận động người dân chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường dây trong đô thị trước khi bão đổ bộ, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Điện ngay.

“Nếu hệ thống điện bị ảnh hưởng, sẽ gây khó khăn cho công tác chỉ huy phòng, chống thiên tai, sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị các bệnh nhân F0. Do đó, các địa phương cần chặt tỉa cây trước mùa mưa bão vừa để giảm thiểu số lượng cây cối bị gẫy, đổ, vừa giảm thiểu thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân, vừa đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng nhất là điện lực. Đây cũng là trách nhiệm của các địa phương trước mùa mưa bão” - ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Hoài cũng đánh giá, các năm trước, EVN đã thực hiện rất tốt việc đảm bảo cung cấp điện, khôi phục điện sau bão. Tuy nhiên, năm nay trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại bị hạn chế, EVN phải bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện tại chỗ để nếu có mưa bão tác động sẽ khôi phục cung cấp điện được nhanh nhất. Đối với vận hành các hồ chứa thủy điện, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, trực ban nghiêm túc và sẵn sàng thông báo kịp thời cho vùng hạ du nếu nhà máy xả lũ theo quy trình.


Theo EVN