Vận hành an toàn hồ chứa thủy điện, sớm khôi phục điện cho nhân dân sau bão

Thứ sáu, 23/10/2020 | 06:00 GMT+7
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, khi họp với các Bộ, ngành về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 8. Cuộc họp diễn ra chiều ngày 23/10, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hồi 13h ngày 23/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 260km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

“Bão đang ở giai đoạn mạnh nhất và duy trì ở cấp 12 trong 12-18 giờ tới, sau đó suy yếu. Khi bão vào vịnh Bắc Bộ chỉ còn ở cường độ cấp 8-9, tiến gần ven biển của các tỉnh bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ở khu vực vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động. Sóng biển cao từ 2-4m”, ông Khiêm nói.

Cũng theo ông Khiêm, do ảnh hưởng của bão, từ đêm 24/10 đến sáng 26/10 ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến khu vực này từ 50-150mm/đợt.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia kết luận, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, thời gian ảnh hưởng trực tiếp vào ngày 25/10.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, mặc dù bão số 8 được dự báo sẽ suy yếu khi vào gần bờ, nhưng các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng không được chủ quan. Khu vực miền Trung thời gian vừa qua đã chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ, sạt lở đất, cho nên thời gian tới có tác động của gió mạnh hay nhẹ, mưa to hay mưa nhỏ đều có thể gây thiệt hại tiếp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo để đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa thủy điện, sẵn sàng xây dựng các phương án, kịch bản để vận hành hồ chứa an toàn trong bối cảnh nước hồ chứa đã đầy và hạ du cũng đang đầy nước. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị EVN tập trung khôi phục lưới điện sau khi nước rút, chú trọng đảm bảo an toàn lưới điện cho người dân.


Theo EVN