Trang tin evn.com.vn trích đăng bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh:
Lời đầu tiên, thay mặt lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng về các kết quả mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đạt được trong năm 2022 và xin gửi đến các quý vị đại biểu, các đồng chí lãnh đạo và toàn thể cán bộ, người lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh ghi nhận những nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, CBCNV EVN trong năm 2022
|
Do chịu ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc bởi những biến động lớn về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, nhất là xung đột chính trị Nga - Ukraina và tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với EVN khi chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là nguồn nhiên liệu năng lượng sơ cấp, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện biến động và tăng vọt, làm cho chi phí sản xuất điện tăng cao. Những yếu tố tiêu cực này đã ảnh hưởng lớn đến việc cân đối tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của EVN.
Trong bối cảnh đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên và người lao động toàn tập đoàn đã có nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn và vượt qua thách thức để đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng mà Đảng, Chính phủ đã giao cho EVN.
Các chỉ tiêu về sản lượng điện sản xuất và mua, doanh thu, nộp ngân sách, năng suất lao động bình quân,… là rất đáng ghi nhận. EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện; triển khai có hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, đem lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, liên tiếp trong 4 năm từ 2019-2022 được trao giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam, riêng năm 2022 đoạt giải “Doanh nghiệp Công nghiệp 4.0”…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN dự kiến sẽ bị lỗ hơn 31.360 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
|
Về mặt tổng thể năm 2022, EVN đã khẳng định được năng lực và vị thế hàng đầu của một doanh nghiệp nhà nước lớn, đã hoàn thành được các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò của tập đoàn trong phát triển kinh tế đất nước, EVN cần quán triệt thực hiện các giải pháp phù hợp.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; nhưng cũng là năm mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có EVN phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình chính trị, kinh tế trong khu vực và thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, thời tiết bất thường...
Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 của EVN là hết sức nặng nề trên cả 2 khía cạnh là đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển chung của đất nước, tôi cơ bản thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp mà EVN đã đề ra cho năm 2023; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, EVN phải tiếp tục khẳng định vai trò là tập đoàn nhà nước đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, đảm bảo khả năng cân đối tài chính, phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được đặt lên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, tài chính, quản trị,… Nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động.
Thứ ba, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực quản trị, đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin với mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số.
Thứ tư, đảm bảo việc đầu tư, xây dựng các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt.
Thứ năm, tiếp tục cơ cấu lại tập đoàn, cơ cấu lại danh mục đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh.
Thứ sáu, tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức phù hợp với chiến lược phát triển EVN và định hướng tái cơ cấu ngành Điện để phát triển bền vững.
Với tinh thần, bản lĩnh và truyền thống anh hùng của những người thợ điện; với những kết quả đã đạt được trong năm 2022 và các năm qua, tôi tin tưởng EVN sẽ triển khai có hiệu quả và đạt nhiều thành tích trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, không ngừng lớn mạnh và bảo toàn, phát triển phần vốn nhà nước tại EVN và phần vốn đầu tư của EVN tại các doanh nghiệp.
Ủy ban sẽ luôn đồng hành cùng với EVN và hỗ trợ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các giải pháp cân bằng tài chính; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai có hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và giai đoạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tái cơ cấu EVN giai đoạn 2021-2025, cũng như việc sửa đổi các quy chế, Điều lệ của EVN...
Đồng thời, Ủy ban sẽ chủ động, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất với lãnh đạo Đảng, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, giúp EVN phát triển, ổn định.