Đại sứ quán Nhật Bản đề nghị Việt Nam đẩy nhanh tiến độ Dự án đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân

Thứ năm, 14/10/2021 | 11:00 GMT+7
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân nhằm đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Tiến độ bàn giao mặt bằng của địa phương còn chậm

Theo Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) – đơn vị thay mặt Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý điều hành dự án, tính đến ngày 9/10, toàn tuyến đã bàn giao được 95/304 vị trí móng (đạt 31,3%), trong đó tỉnh Khánh Hòa bàn giao 69/172 vị trí, tỉnh Ninh Thuận bàn giao 26/132 vị trí. Phần hành lang tuyến, các địa phương đều chưa bàn giao được khoảng cột nào. Về thủ tục liên quan đến đất rừng, toàn tuyến đã bàn giao thi công 41/159 vị trí, trong đó tỉnh Khánh Hòa 41/117 vị trí; tỉnh Ninh Thuận 0/42 vị trí.

Hiện nay, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đang hoàn thiện các thủ tục về giá đất, về thủ tục chuyển đổi đất rừng để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành hồ sơ đánh giá hiện trạng rừng phần móng trụ, đường tạm thi công. Hội đồng thẩm định đã kiểm tra xong và đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN&PTNT và HĐND tỉnh ngày 7/10/2021. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã hoàn thành hồ sơ đánh giá hiện trạng rừng phần móng trụ, đường tạm thi công. Hội đồng thẩm định đã kiểm tra xong và hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN&PTNT và HĐND tỉnh ngày 9/10/2021.

Đào hố móng vị trí 210 đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân tại tỉnh Ninh Thuận

Hiện EVNNPT/CPMB đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận tập trung kê kiểm, vận động bàn giao mặt bằng cuốn chiếu cùng nhà thầu. Tuy nhiên, các hạng mục đều chậm 3 tháng so với kế hoạch.

Trong văn bản của Đại sứ quán Nhật Bản nêu, Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tại Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) là dự án đã được ký kết BOT dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ 2 nước vào tháng 10/2018. Đây cũng là dự án quan trọng, đóng vai trò lớn trong cung cấp điện cho Việt Nam. Tiến độ dự án đang được triển khai thuận lợi với mục tiêu đưa nhà máy vào vận hành thương mại vào năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu này đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do vướng mắc thi công đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư.

Đại sứ quán Nhật Bản cũng cho biết: trước đó, chủ dự án nhà máy là Công ty TNHH Điện lực Vân Phong và nhà đầu tư là Tập đoàn Sumitomo đã có thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, về việc thúc đẩy thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển giao đất cho EVN là cần thiết để xây dựng đường dây truyền tải điện. 

Dành nguồn lực tốt nhất cho dự án

Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho hay, đối với các công việc liên quan đến dự án truyền tải công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, EVNNPT quán triệt chỉ đạo ưu tiên xử lý trong ngày; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý, điều hành của tổng công ty và các đơn vị. Cùng với đó, tổng công ty và tổ chức Công đoàn đã tổ chức các phong trào thi đua hoàn thành dự án và nhiều phong trào thi đua nước rút nhằm huy động mọi nguồn lực để đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án.

Trong công tác chỉ đạo điều hành, EVNNPT đã thành lập Ban Chỉ đạo dự án từ tổng công ty đến các ban QLDA để rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các công việc có liên quan. Ban Chỉ đạo của EVNNPT do Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trực tiếp phụ trách, họp thường kỳ hàng tháng và đột xuất khi cần thiết. Tại CPMB thành lập Ban điều hành, cùng 4 ban tiền phương có nhiệm vụ bám sát công trường, đôn đốc và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trên công trường. Đây là lần đầu tiên EVNNPT áp dụng mô hình quản lý với mục tiêu phát huy tối đa nguồn lực, nhằm đảm bảo tiến độ công trình.

Nhận thức được tầm quan trọng của dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, trong thời gian qua EVNNPT/CPMB tiếp tục có văn bản đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo họp xét nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường, phê duyệt chi trả tiền bàn giao mặt bằng.

Theo lãnh đạo EVNNPT, mặc dù EVNNPT/CPMB đã rất nỗ lực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án thi công, tuy nhiên mặt bằng của dự án có tính quyết định nhất đến tiến độ của dự án. Vì vậy, EVNNPT đề nghị các địa phương hoàn thành toàn bộ mặt bằng dự án muộn nhất trong tháng 6/2022 để đơn vị triển khai thi công, nhằm đảm bảo tiến độ dự án vào tháng 12/2022 theo hợp đồng đã ký kết.


Theo EVN