EVNHCMC: Nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành bằng lưới điện thông minh

Thứ ba, 18/5/2021 | 04:44 GMT+7
Là đơn vị tiên phong của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về xây dựng lưới điện thông minh, hiện nay Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã có lưới điện với mức tự động hóa cao, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng (TTĐN) nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng.

Đẩy mạnh tự động hóa 

Ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết nhận thức việc xây dựng lưới điện thông minh là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, từ năm 2011, EVNHCMC đã bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu và tiến hành thực hiện thí điểm. Đến năm 2016, Tổng công ty ban hành Đề án Phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn năm 2025. Đến nay, Đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, là tiền đề quan trọng để EVNHCMC về đích trước 2 năm (so với lộ trình EVN giao đến năm 2020); kế hoạch tự động hóa lưới điện, độ tin cậy cung cấp điện, về đích trước 1 năm về chỉ tiêu TTĐN và năng suất lao động…

Năm 2017, với việc đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa lưới điện phân phối đầu tiên tại Việt Nam, lưới điện của TP.HCM được chuyển đổi từ phương thức vận hành thủ công, phụ thuộc nhiều vào con người sang vận hành tự động. Đây là trung tâm điều khiển thông minh, đạt chuẩn quốc tế, có chức năng giám sát, điều khiển xa mọi phần tử trên lưới điện của Thành phố. Tại đây, những kỹ sư trực vận hành có thể theo dõi, giám sát thời gian thực các TBA, thiết bị điện trên hệ thống lưới điện. Đặc biệt, trước đây, khi có bão lũ hoặc triều cường, các Công ty Điện lực phải cử người trực tiếp đến hiện trường kiểm tra và trực tiếp thực hiện thao tác đóng/cắt điện thì hiện nay, các kĩ sư điều hành tại Trung tâm có thể vận hành hiệu quả lưới điện Thành phố trong mưa bão. Điển hình, bão Usagi đổ bộ vào TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ tháng 11/2018 đã gây mưa rất to và gió mạnh. Dù vậy, chỉ với 4 người tại Trung tâm Điều khiển xa, EVNHCMC đã vận hành hiệu quả lưới điện Thành phố trong mưa bão. Đặc biệt, khi mưa lớn, gây ngập, Trung tâm khẩn trương cắt điện, đảm bảo an toàn, khi nước rút, lập tức đóng điện, cấp điện lại cho khách hàng.

Nếu năm 2015, TBA 110kV Tân Sơn Nhất là trạm không người trực đầu tiên của cả nước thì đến năm 2018, 100% TBA 110kV của Tổng công ty đã đáp ứng tiêu chí không người trực vận hành, góp phần nâng cao năng suất lao động, thông qua việc cắt giảm gần 500 nhân viên trực trạm (trước đây mỗi trạm biến áp có từ 8-10 công nhân trực vận hành, thao tác trực tiếp theo chế độ 3 ca, 4 kíp).

Trung tâm Điều khiển xa, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh

EVNHCMC cũng đã hoàn thành khai hệ thống giám sát, điều khiển xa (Mini-SCADA) cho 100% các tuyến đường dây trung thế 22kV, thông qua việc lắp đặt và đưa vào vận hành hơn 1.700 thiết bị đóng cắt thông minh kết hợp với hạ tầng viễn thông chuyên biệt. Trước đây, khi một sự cố xảy ra trên lưới điện trung thế, 2 công nhân phải chạy ra hiện trường tìm sự cố, thời gian xử lý nhanh nhất cũng phải đến 60 phút. Đến nay, với công nghệ tự động hóa, hơn 90% sự cố trên lưới điện của Tổng công ty được xử lý dưới 5 phút. Đặc biệt, có những vụ sự cố được xử lý hoàn toàn tự động, tái lập lại cấp điện cho khách hàng trong khoảng 20 giây. 

EVNHCMC cũng là đơn vị đi tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sửa chữa lưới điện như sửa chữa trên đường dây đang mang điện (live-line) trên lưới điện trung thế và lưới điện cao thế cấp điện áp 110kV; sửa chữa lưới điện bằng phương pháp bệ đỡ cách điện Platform cấp điện áp đến 22kV; vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao;… Đặc biệt, EVNHCMC đã cơ bản số hoá lĩnh vực quản lý kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực quản lý vận hành lưới điện, làm tiền đề từng bước tiếp cận và áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Big Data, IoT, AI, Cloud) vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng.

Hiện đại hóa gắn với chuyển đổi số

Với tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, EVNHCMC xác định trong những năm tới, Tổng công ty tiếp tục triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả mô hình lưới điện thông minh; hiện đại hóa lưới điện gắn liền với chuyển đổi số. Theo đó, Tổng công ty sẽ hoàn thành Trung tâm Điều khiển dự phòng đạt chuẩn quốc tế; xây dựng các phòng trực hiện đại, màn hình lớn tại 16 Công ty Điện lực; triển khai các TBA công nghệ số; xây dựng hệ sinh thái quản lý kỹ thuật trên nền tảng số, với mục tiêu trong năm 2021, quản lý độ tin cậy cung cấp điện và tỉ lệ TTĐN một cách tập trung, tự động và online.

EVNHCMC chú trọng kiện toàn kết cấu lưới điện theo nguyên tắc chuẩn hóa, đồng bộ. Trọng tâm là cấu phần tự động hóa lưới điện toàn diện từ cấp điện áp 110kV đến trung, hạ áp; 100% đường dây điện trung thế có khả năng xử lý sự cố với thời gian dưới 1 phút; tập trung duy trì lưới điện 110kV đáp ứng vận hành theo tiêu chí N-1, riêng các TBA cấp điện cho khu vực trung tâm đạt tiêu chí N-2. EVNHCMC cũng áp dụng mô hình tiên tiến trong lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng thiết bị lưới điện phân phối theo điều kiện vận hành thực tế (CBM); thực hiện hiệu quả việc ngầm hóa lưới điện trung thế, hạ thế các tuyến đường liên quận, khu vực trung tâm và những tuyến đường chính của các quận, huyện. 

Tổng công ty cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, sáng kiến - cải tiến kỹ thuật thông qua mô hình hoạt động câu lạc bộ khoa học kỹ thuật; chú trọng phát triển, xây dựng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề có trách nhiệm và đủ năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới.

Với những giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao, EVNHCMC sẽ tập trung mọi nguồn lực, xây dựng và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, thực hiện thành công quá trình số hóa và chuyển đổi số toàn diện, trở thành đơn vị hàng đầu khu vực trong lĩnh vực điện năng, với hệ thống điện hiện đại, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, chất lượng cao, góp phần thực hiện định hướng xây dựng đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh. 
 


Theo EVN