Những mái ấm ở Nậm Pồ

Thứ năm, 11/2/2021 | 11:56 GMT+7
Những ngày này, cùng với nhân dân cả nước đang náo nức chuẩn bị đón Tết Tân Sửu, những hộ dân nghèo ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên) còn có thêm niềm vui được sống trong những ngôi nhà mới khang trang. Những ngôi nhà ấy được xây dựng từ chương trình “Làm nhà cho hộ nghèo” do Bộ Công an phát động, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là nhà tài trợ chính.

Xây dựng 613 căn nhà cho hộ nghèo

Huyện Nậm Pồ là huyện miền núi của tỉnh Điện Biên, được thành lập năm 2012, có 8/15 xã biên giới giáp nước bạn Lào với 128 km đường biên, 132 bản, hơn 54.100 nhân khẩu và 8 dân tộc sinh sống. Hơn 8 năm sau ngày thành lập, huyện Nậm Pồ vẫn còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao, khoảng 63% trên tổng số 6.560 hộ.

Từ thực tế đó, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo huyện Nậm Pồ. Chủ trương này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) ủng hộ và tài trợ kinh phí (khoảng 30 tỷ đồng), hỗ trợ các hộ nghèo vơi bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Ông Mùa A Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Từ nguồn kinh phí của chương trình, tổng số hộ được thụ hưởng từ dự án là 613 hộ. Những hộ được hỗ trợ làm nhà mới, kinh phí hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/hộ. Việc xây nhà phải đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng “Mái cứng, nền cứng, khung cứng” có diện tích tối thiểu 36m2. Các hộ thuộc diện cải tạo, sửa chữa, kinh phí không quá 15 triệu đồng/hộ.

Ông Trịnh Mai Phương - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông EVN (thứ 3, từ phải sang) đại diện nhận Bằng khen của UBND tỉnh Điện Biên trao tặng Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Với địa hình miền núi, nên khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các đơn vị tham gia, sự chung sức của người dân Nậm Pồ, Chương trình đã được hoàn thành đúng thời hạn đề ra là tháng 9/2020. Cũng theo ông Mùa A Sơn, có được thành công trên là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đơn vị được phân công hỗ trợ làm nhà, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của Công ty Điện lực Điện Biên. Nhân dân địa phương đã rất vui mừng, phấn khởi, tích cực tham gia vào việc xây dựng nhà ở mới, chủ động đổi công cho nhau trong vận chuyển nguyên, vật liệu làm nhà, theo phương châm: “Nhà nước hỗ trợ - Nhân dân làm nhà”; nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”. 

Ông Trịnh Mai Phương – Trưởng ban Truyền thông EVN cho biết: Chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo huyện Nậm Pồ do Bộ Công an phát động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Bộ Công an đối với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Ngay sau khi Bộ Công an phát động, EVN và EVNNPC đã tích cực hưởng ứng, ủng hộ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho 613 hộ bào dân tộc thiểu số ở huyện Nậm Pồ. EVN cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an, UBND tỉnh Điện Biên, huyện Nậm Pồ và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả chương trình này.

“EVN hi vọng, thông qua chương trình, các hộ dân còn khó khăn về nhà ở của huyện Nậm Pồ - địa bàn trọng yếu thuộc khu vực biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc sẽ có điều kiện ổn định cuộc sống hơn và vươn lên phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa gần biên giới phía Bắc như Nậm Pồ”, ông Trịnh Mai Phương cho biết thêm.

Cuộc sống của người nghèo bước sang trang mới

Là một trong 25 hộ dân đầu tiên được hỗ trợ dựng lại nhà, anh Giàng A Chu (bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) xúc động chia sẻ: “Trước đây sống trong căn nhà cũ, mỗi khi trời mưa là nước khắp nhà, khổ lắm! Nhưng giờ được vào ở nhà mới rồi, nhà tôi vui lắm, các con có thể yên tâm học tập, tôi chỉ cần cố gắng làm việc để nuôi con thôi. Chắc Tết Tân Sửu là Tết ấm cúng và hạnh phúc nhất của gia đình tôi!”

Gia đình anh Vàng A Nhè (bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ) cũng chưa bao giờ dám mơ ước có được ngôi nhà mới khang trang, vững chãi như hiện nay. Do gia đình đông con lại là hộ nghèo, việc lo cho các con có cái ăn, cái mặc đã khó, nói gì đến việc sửa chữa hay dựng ngôi nhà mới! Đây quả là một giấc mơ có thật với gia đình anh Nhè.

“Căn nhà dột nát chưa đầy 30m2 trước kia là nơi che nắng, che mưa của cả gia đình tôi, giờ đã được Đảng, Nhà nước, ngành Điện quan tâm hỗ trợ xây nhà mới rộng rãi, chắc chắn. Tôi vô cùng xúc động và cảm ơn Đảng, Nhà nước đã giúp đỡ tôi xây dựng ngôi nhà mới rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ. Có nhà mới, tôi sẽ phấn đấu làm ăn tốt để thoát hộ nghèo”, anh Vàng A Nhè cho biết.

Lãnh đạo Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đại diện chính quyền bàn giao nhà cho gia đình anh Giàng A Chu tại bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần.

Cũng được hỗ trợ xây dựng nhà mới, chị Phùng Phẩy Lai (bản Huổi Cơ Dạo, xã Nà Hỷ, huyện Nậm Pồ) chia sẻ: Bản thân gia đình làm nương rẫy, chỉ đủ ăn chứ không có tích lũy. Trước kia, vào mùa mưa là sợ, ban đêm nơm nớp lo nhà đổ không dám ngủ. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của ngành Điện, tôi không biết đến bao giờ mới có được ngôi nhà như ngày hôm nay.

Ông Lê Khánh Hòa – Bí thư huyện ủy Nậm Pồ chia sẻ, người dân sau khi nhận nhà đều rất phấn khởi, càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền. Từ đó, sẽ tạo ra động lực để người dân nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế và khi có nhà, sẽ tập trung vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công an – Lê Tấn Tới cho biết: “Những ngôi nhà đầy tình nhân ái được dựng lên ở huyện Nậm Pồ - nơi khó khăn nhất của cả nước đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. Việc làm đầy tình nghĩa của Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân yên tâm bám đất, tích cực lao động sản xuất. Niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước ngày càng bền chặt. Cũng qua đó, các giá trị nhân đạo, nhân văn ngày càng được lan tỏa, trở thành nét đẹp rất đáng trân trọng trong đời sống cộng đồng, góp phần tô đậm thêm truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam.


Theo EVN