Thiết kế kỹ thuật của Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng cơ bản đáp ứng yêu cầu

Thứ năm, 23/4/2020 | 05:00 GMT+7
Đó là khẳng định của ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định thiết kế kỹ thuật và Dự toán xây dựng công trình Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng, tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng vào ngày 23/4. Phiên họp được tổ chức hình thức trực tuyến.

Tham dự phiên họp còn có ông Đỗ Đức Quân – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Phó Chủ tịch Hội đồng, cùng đại diện các bộ, ngành, UBND tỉnh Hòa Bình và 10 chuyên gia độc lập.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định chủ trì phiên họp

“Với vai trò là chủ đầu tư, EVN đảm bảo tốt nhất, an toàn nhất, tiết kiệm chi phí nhất khi xây dựng dự án”, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương cho biết tại phiên họp. 

Mục tiêu đầu tư Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng nhằm: Tăng khả năng huy động công suất thêm 480MW cho hệ thống; sản lượng điện trung bình tăng thêm 495 triệu kWh/năm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện thông qua tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn; góp phần giảm chi phí sản xuất điện của hệ thống; tăng công suất phản kháng chạy bù cho hệ thống khi có yêu cầu góp phần đảm bảo ổn định điện áp cho lưới điện 500kV.

Công trình giúp tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu,...

Giá trị dự toán xây dựng công trình khoảng 8.505 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công trong quý IV/2020 và hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2024.

Tại phiên họp, các chuyên gia cơ bản nhất trí với những hồ sơ được EVN và đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1 – PECC1) chuẩn bị. Tuy nhiên, các chuyên gia đề nghị EVN và PECC1 cần phân tích thêm về yếu tố môi trường khi nổ mìn thi công tại công trường, tính toán để đảm bảo an toàn cho công trình hiện hữu.

Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương phát biểu tại phiên họp

Cũng theo ông Phạm Hồng Phương, song song với việc hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, EVN triển khai những công việc liên quan đến các gói thầu. EVN đã xây dựng gói thầu, cách thức, tiêu chí để lựa chọn nhà thầu, trong đó có yêu cầu nhà thầu phải thực hiện quan trắc công trình trong suốt quá trình thực hiện dự án. Cùng với đó, EVN xây dựng hồ sơ mời thầu gói xây lắp, trong đó xây dựng có quy chuẩn chi tiết để nhà thầu thi công đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, Cơ quan Phát triển Pháp AFD kết tài trợ cho EVN một khoản vay để mua sắm vật tư thiết bị, đồng thời tài trợ cho khoản kinh phí để EVN thuê chuyên gia tư vấn, giám sát thi công công trình.

Ông Phạm Nguyên Hùng – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PECC1 cho biết: Đây là công trình phức tạp, quy mô lớn và sẽ được thi công bên cạnh công trình NMTĐ Hòa Bình hiện hữu - công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. PECC1 đã tiến hành nghiên cứu, tính toán từ năm 2009 nên có hệ thống dữ liệu đầy đủ để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PECC1 giải trình một số ý kiến của chuyên gia tại phiên họp

Kết luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao Báo cáo thiết kế, tư vấn thẩm tra, thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình đã lập tuân thủ quy định của pháp luật, cơ bản đảm bảo yêu cầu và không có nhiều điều chỉnh so với thiết kế cơ sở trước đây.

Nhấn mạnh yếu tố an toàn và chất lượng trong triển khai xây dựng công trình là trên hết, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị các thành viên của Hội đồng, các chuyên gia độc lập tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ tư liệu để đầu tháng 5 sẽ tổ chức phiên họp tiếp theo. Mục tiêu đặt ra là trong tháng 5 hoàn thành thẩm tra thiết kế kỹ thuật để chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo, đáp ứng tiến độ khởi công vào quý IV/2020.

Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng:

- Được xác định tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030;

- Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch bậc thang thuỷ điện sông Đà tại Quyết định số 4717/QĐ-BCT ngày 2/12/2016;

- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 11/4/2018;

- Thiết kế cơ sở được Bộ Công Thương thẩm định và thông báo kết quả thẩm định tại văn bản 2611/TB-BCT ngày 16/4/2019;

- Bộ Tài nguyên môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án tại Quyết định số 103/QĐ-BTNMT ngày 17/01/2018 và cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt tại văn bản số 748/GP-BNTMT ngày 28/3/2019;

- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thẩm định Báo cáo nghiên cứu kỹ thuật và phê duyệt để EVN quyết định đầu tư dự án tại văn bản 1300/UBQLVNN- NL ngày 9/9/2019.

- Ngày 26/9/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định đầu tư dự án.


Theo EVN