Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thứ sáu, 12/4/2024 | 01:43 GMT+7
Đó là một trong những chỉ đạo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TCKN)  Bộ Công Thương - Nguyễn Sinh Nhật Tân, tại Hội nghị Tổng kết công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công Thương năm 2023, kế hoạch nhiệm vụ năm 2024, sáng 12/4 tại Đà Nẵng.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, lãnh đạo TP Đà Nẵng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty, công ty liên quan.

Về phía EVN, có Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải; lãnh đạo các ban chuyên môn EVN; lãnh đạo các Tổng công ty Phát điện, Tổng công ty Điện lực, Công ty Thủy điện.

Chủ động trong công tác ứng phó

Báo cáo tại Hội nghị, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương cho biết, năm 2023, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp và khó lường. Cả nước đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai, khiến 169 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu các đơn vị ngành Công Thương không được chủ quan, lơ là trong công tác PCTT&TKCN

Đối với ngành Công Thương, công tác chuẩn bị ứng phó với mưa bão đã được các cấp lãnh đạo và các đơn vị chủ động ngay từ đầu năm. Công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai được triển khai kịp thời, sát sao nên toàn ngành Công Thương đã ứng phó hiệu quả với thiên tai trong năm 2023. Toàn ngành đã không để thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản và công trình của các doanh nghiệp trong ngành ở mức thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh được giữ ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT&TKCN trong ngành Công Thương trong năm qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một số đơn vị còn chủ quan, chưa thực sự chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; công tác tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập về PCTT&TKCN chưa được thực hiện đầy đủ…

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải (hàng đầu thứ 2 từ phải sang) tham dự hội nghị

Tại hội nghị, các đơn vị cũng đã tham luận, trao đổi về những kết quả, khó khăn, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để hoàn thành công tác PCTT&TCKN trong thời gian tới.

Ông Phạm Hồng Long - Trưởng ban An toàn EVN cho biết, hiện nay, quy mô quản lý hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, hệ thống lưới điện truyền tải từ 110kV-500kV kéo dài, trải rộng trên cả nước. Do đó, khi có thiên tai, sẽ ảnh hướng rất lớn đến hoạt động của EVN và các đơn vị thành viên. Nhận thực rõ vấn đề này, nhiều năm qua, EVN và các đơn vị thành viên đã thường xuyên, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công tác PCTT&TKCN.

Riêng năm 2023, EVN và các đơn vị thành viên đã chủ động, thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong các đợt mưa lũ cực đoan dẫn đến ngập lụt, các đơn vị đã chủ động cắt điện, và chủ động khôi phục cấp điện trở lại ngay sau khi nước rút, đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị.

Các đơn vị trong tập đoàn thường xuyên cập nhật, khẩn trương thực hiện các nội dung trong công điện, văn bản chỉ đạo của cấp trên, của Tập đoàn; tăng cường theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và qua các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời; sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất.

Ông Phạm Hồng Long - Trưởng ban An toàn EVN (ảnh trái) và ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La (ảnh phải) tham luận tại hội nghị

Các đơn vị thủy điện tuân thủ mệnh lệnh chỉ đạo của Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy các địa phương, thực hiện theo quy định vận hành hồ chứa/liên hồ chứa, tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du…

Dù vậy, công tác PCTT&TKCN của EVN cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Hàng năm các đơn vị luôn chủ động lập kế hoạch chặt tỉa cây trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, công tác chặt tỉa cây phụ thuộc nhiều vào kế hoạch của cơ quan quản lý địa phương và sự phối hợp của người dân. Do đó, khi mưa bão xảy ra, công tác dọn dẹp cây cối bị gẫy đổ, công trình bị hư hại để nhanh chóng khôi phục lại lưới điện còn gặp nhiều khó khăn, giao thông đi lại bị cản trở. 

Ngoài ra, hiện một số đơn vị chưa được phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP do chưa có bản đồ ngập lụt; ở một số hồ chứa xuất hiện tình trạng khai thác cát trái phép, vi phạm hành lang công trình và hồ chứa, tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh trật tự, an toàn hồ chứa; vùng hạ du tại một số đập thủy điện vẫn bị lấn chiếm xây dựng, canh tác hoặc đổ thải làm cản trở quá trình thoát lũ, gây nguy cơ mất an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân; một số quy trình vận hành hồ chứa/liên hồ chứa chưa được cập nhật, sửa đổi, bổ sung theo hướng vận hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, EVN kiến nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân của ngành Công Thương trong năm 2023 đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN.

Năm 2024, biến đổi khí hậu, diễn biến của thiên tai, lũ lụt, hạn hán… được dự báo sẽ diễn biến phức tạp và khó lượng. Do đó, các đơn vị của ngành Công Thương cần chủ động hơn, sẵn sàng hơn, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác PCTT&TKCN", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Xác định công tác PCTT&TKCN không phải là nhiệm vụ của riêng một tổ chức, cá nhân nào, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu cả hệ thống chính trị của ngành Công Thương cần phải vào cuộc; mỗi tổ chức, cá nhân cần phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo, văn bản, điều hành của cấp trên; ứng phó chủ động, linh hoạt, kịp thời theo tình hình thực tế của đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn, luôn sẵn sàng để ứng phó kịp thời, hiệu quả với mọi tình huống thiên tai…

Trong quá trình ứng phó với thiên tai, cần đặc biệt chú trọng trọng đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân…

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống thiên tai .

Lãnh đạo Bộ Công Thương tin tưởng, toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, chủ động thực hiện đồng bộ các chỉ đạo của cấp trên, các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2024.


Theo EVN