Quyết liệt, chủ động đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện

Thứ tư, 1/7/2020 | 12:35 GMT+7
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành – Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng các dự án điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ban Chỉ đạo), tại cuộc họp sáng 1/7.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, EVN và các đơn vị trực thuộc đang triển khai 72 dự án nguồn điện, cơ sở hạ tầng trung tâm điện lực và lưới điện 110-500 kV trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó đã hoàn thành 4 dự án. Hiện 47 dự án đang bám sát tiến độ, 12 dự án nguy cơ chậm tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ.

Trong quá trình triển khai các dự án nguồn và lưới điện, các đơn vị trực thuộc EVN gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án điện theo quy định hiện hành qua nhiều bước và mất nhiều thời gian, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách. Liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường, nhiều địa phương và các Bộ, ngành yêu cầu khắt khe hơn so với yêu cầu trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Xây dựng các dự án điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam diễn ra sáng 1/7, tại Hà Nội. 

Cùng với đó, công tác đền bù, GPBM ngày càng khó khăn, phức tạp. Một số dự án trọng điểm bị vướng mắc kéo dài, nhất là về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng như: Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, đường dây 500kV đấu nối Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2; đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, các đường dây 220kV Huội Quảng – Nghĩa Lộ - Việt Trì, Tháp Chàm - Nha trang,…Công tác quản lý đất đai ở các địa phương có nhiều tồn tại, khiến thời gian lập phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng bị kéo dài. Đơn giá bồi thường còn bất cập, người dân đòi hỏi chi phí đền bù thi công cao, không có cơ sở. 

Việc thu xếp nguồn vốn cho các dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Các nguồn vốn vay trong nước bị giới hạn định mức theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, phải hoàn thành các thủ tục, điều kiện theo Quyết định 12/2018QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng thương mại có khả năng cho EVN và các đơn vị vay vốn đầu tư các dự án điện đều đã vượt mức giới hạn cho phép.

Với các khoản vay nước ngoài, do giới hạn của trần nợ công nên các dự án điện của EVN trong thời gian tới phải thực hiện theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ. Tuy nhiên, EVN được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức này không vượt quá mức dự án nhóm B và hiện chưa có hướng dẫn quy trình để Tập đoàn huy động các khoản vay đối với các dự án điện trên nhóm B. 

Chỉ đạo tại cuộc họp này, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, thời gian qua gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng EVN đã đóng điện được 4 công trình. Đó là sự nỗ lực rất lớn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Chủ tịch HĐTV EVN yêu cầu các đơn vị cần quyết liệt, chủ động giải quyết những tồn tại, vướng mắc; kịp thời báo cáo Tập đoàn các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền để được hỗ trợ. 

Thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn sẽ phân cấp mạnh hơn cho các đơn vị để chủ động trong triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án do các tổng công ty làm chủ đầu tư.

Chủ tịch HĐTV EVN cũng yêu cầu Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia, các tổng công ty điện lực, các ban quản lý dự án điện quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, bám sát tiến độ dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng như: Đường dây 500kV đấu nối Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2; đường dây 500kV Vân Phong - Nhiệt điện; đường dây 500kV mạch 3; các dự án giải tỏa công suất năng lượng tái tạo, truyền tải công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc, liên kết mua điện từ Lào, Trung Quốc; các dự án nguồn điện như Thủy điện Tích năng Bác Ái, Nhiệt điện Quảng Trạch, Thủy điện Hòa Bình Mở rộng…

Cũng tại cuộc họp này, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân yêu cầu các tổng công ty điện lực tạo điều kiện tối đa cho khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là các công trình quy mô nhỏ. Với những công trình quy mô lớn hơn (dưới 1 MWp), nếu không gây quá tải lưới điện trung áp hoặc quá tải nhưng có thể giải tỏa được trong thời gian từ nay đến cuối năm, các tổng công ty điện lực cũng cần tạo điều kiện tối đa  cho khách hàng đấu nối, hòa luới.

Hiện nay, EVN cũng đang xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các dự án điện mặt trời trên hồ thủy điện, báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ.


Theo EVN