Để tri ân, tôn vinh những người làm công tác trồng người, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tháng 8-1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Warszawa (Ba Lan) đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20-11 hằng nǎm là "Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo". Trong ngày 20-11-1958, lễ kỷ niệm không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh đến các vùng biên giới hải đảo. Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Học sinh miền Nam số 12, TP Hải Phòng (ngày 18/1/1960). (Ảnh: TTXVN)
Khi Việt Nam thống nhất, với ý nghĩa tích cực của ngày 20-11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4-1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26-9-1982 quyết định sẽ lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Từ đó đến nay, đây là Ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Ngày 20-11 cũng là dịp để các thế hệ học sinh “đền đáp” lại công ơn dưỡng dục của các thầy cô, là dịp để lớp lớp học trò ghi nhớ sâu sắc, gửi lòng thành biết ơn đến những người “tháng tháng, năm năm vẫn không ngừng chèo lái con thuyền”./.
Phòng HCLĐ